Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ám ảnh những lần bị sếp ép uống rượu đến ngộ độc

(VTC News) -

Vào công ty 3 năm nhưng tôi đã 2 lần đi cấp cứu vì ngộ độc rượu và chảy máu dạ dày, một nữ đồng nghiệp ngã đập đầu, phải khâu nhiều mũi ở trán vì bị sếp ép nhậu.

Cách đây không lâu, tập đoàn công nghệ Alibaba của Trung Quốc vướng bê bối khi một nữ nhân viên cáo buộc người quản lý cưỡng hiếp khi cô say xỉn sau một đêm bị ép uống rượu tiếp khách hàng. Cô gái này cũng bị khách hàng sàm sỡ trong buổi tiệc. Người quản lý nhanh chóng bị sa thải, nhưng vụ việc khiến vấn đề “văn hóa” rượu bia xấu xí lại dậy sóng mạng xã hội.

Ép uống rượu cũng là vấn nạn ở Việt Nam, là nỗi ám ảnh, sợ hãi của vô số người trong đó có tôi. Tình trạng ép uống xảy ra trong các mối quan hệ công việc và các quan hệ xã giao khác giữa họ hàng, bạn bè… Đối với các nạn nhân như tôi, thời gian giãn cách xã hội chống dịch COVID-19 vừa qua là lúc các cơ quan nội tạng được “đại xá”, nghỉ ngơi do quán nhậu bị cấm, việc tụ tập là không thể. Nhưng những ngày này, với xu hướng sống chung với dịch, người dân được tiêm vaccine, các cuộc nhậu lại bắt đầu được lên kế hoạch.

Ngay sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, sếp đã bảo tôi và vài đồng nghiệp chuẩn bị cho hàng loạt cuộc nhậu mời đối tác và những nhân vật mà công ty cần nhờ vả, chỉ chờ quán sá được đón khách trở lại là tiến hành. Chúng tôi ngán ngẩm bảo nhau, vậy là cái lò xo “nhịn nhậu” bị nén mấy tháng qua sắp bung ra rồi, anh em lại lãnh đủ. Về công ty có 3 năm mà tôi đã 2 lần đi cấp cứu, một lần vì chảy máu dạ dày, một lần vì ngộ độc rượu.

Nỗi ám ảnh lớn nhất với chúng tôi là sếp ép uống bằng ly whiskey rót đầy, uống hết trong một hơi. Các bạn thử hình dung ly whiskey rót đầy bia mà phải uống một hơi cũng hết sức khó khăn, nói gì đến thứ rượu cognac hay vodka nặng đến trên 40% độ cồn. Để chứng minh hơn người, ông còn rót đầy ly 330 ml rượu vodka Nga uống hết trong một hơi, và nói chúng tôi nhìn mà học tập.

Nỗi ám ảnh lớn nhất với chúng tôi là sếp ép uống bằng ly whiskey rót đầy, uống hết trong một hơi.

Thân tàn ma dại vì uống, nhưng vẫn không thể trốn tránh bởi tuy không được ghi trong KPI nhưng uống rượu tiếp khách cùng sếp là một phần công việc của chúng tôi. Phải uống làm sao cho ra được hợp đồng hay những thỏa thuận, cam kết có lợi cho công ty.

Những cuộc rượu trên thực tế là các buổi “hợp đồng tác chiến” nên sếp đòi hỏi nhân viên tham gia phải hết mình, không chỉ “tiếp đãi” khách đến nơi đến chốn mà còn phải uống thay sếp khi cần.

Sếp tôi không chấp nhận những lý do như ốm, bận hay dạ dày đang có vấn đề để trốn nhậu, bởi bản thân ông ấy cũng có mặt trong mọi cuộc tiếp khách và cũng từng đi bệnh viện vì chất cồn. Tham gia thôi chưa đủ, còn phải uống “hết lòng”, nghĩa là không say không về, khách chưa gục thì mình còn phải “chiến đấu”.

Tôi cũng từng chứng kiến một nữ đồng nghiệp xinh đẹp trong công ty, trong buổi tiếp khách với sếp, bị đối tác ép uống nhiều đến nỗi ngã đập đầu vào cạnh bàn đá chỗ bồn rửa tay trong toilet nhà hàng, máu chảy đầy mặt, phải khâu nhiều mũi. Sau tai nạn ấy, cô bị chồng bắt nghỉ việc.

Một anh bạn chỉ vì tửu lượng rất thấp, mỗi lần say là một lần bê bết, thê thảm nên hay lấy lý do đi vệ sinh rồi bỏ về. Sếp tôi luôn để ý và không chấp nhận điều đó ở anh bạn tôi mà ông gọi là “nửa vời, khôn lỏi”. Từ đó trở đi ông ấy không bao giờ gọi anh bạn tôi đi nhậu hoặc mời uống rượu nữa. Nghịch lý là sợ hãi đến ám ảnh việc uống rượu với sếp, nhưng khi không được sếp gọi đến nữa thì anh bạn tôi lại lo ngại vì một khi sếp đã không để ý thì mọi con đường phía trước dường như đã đóng lại.

Bản thân tôi dù biết uống rượu thế này là một kiểu “mưu sinh bằng cách tự ăn thịt mình” nhưng vẫn phải chấp nhận và nghịch lý vẫn diễn ra. Nghĩa là tôi vẫn phải theo phục vụ sếp những cuộc nhậu triền miên bởi tôi không muốn bị sếp ghét.

Mỗi lần say là một lần cả nhà tôi khốn khổ. Vợ tôi phải phục vụ tôi nôn thốc tháo cả đêm, các con cũng không thể ngủ trong tình trạng tôi say đến thế. tôi thừa biết rằng sau mỗi cuộc nhậu mình đều lâm vào tình trạng ngộ độc rượu ở mức độ thấp hơn, và thêm một lần tích lũy chất độc, thêm một lần các cơ quan trong cơ thể bị hủy hoại dần, bao gồm cả não.

Sau mấy tháng thoát nhậu, nghĩ đến chuyện các nhà hàng, quán bia lại mở và những buổi triền miên “ngâm dạ dày, máu và tế bào thần kinh trong rượu” lại tiếp diễn, tôi rùng mình vì sợ.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi ý kiến của bạn vào box bình luận bên dưới.

Bạn từng chứng kiến hay có những trải nghiệm tồi tệ về nạn ép uống rượu bia? Theo bạn, có cách nào để chấm dứt tệ nạn này hay để tránh né, từ chối khi bị ép uống? Hãy chia sẻ câu chuyện, quan điểm và ý kiến của bạn ở box bình luận phía dưới hoặc địa chỉ email tamsu@vtc.gov.vn.

Hoàng Minh

Tin mới