Một tháng rưỡi nữa, kể từ 15/11, khi Nghị định 117-CP có hiệu lực, những kẻ xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia có nguy cơ bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Mức phạt sẽ là 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác sử dụng thứ đồ uống độc hại này.
Chắc chắn trong hàng triệu độc giả đọc tin này có tỷ lệ không nhỏ những người từng là nạn nhân của nạn ép rượu. Liệu họ có vui mừng trước quy định trên, bởi sắp tới sẽ không còn sợ phải uống chất cồn ngoài ý muốn nữa? Tôi thì chưa dám, bởi đã có kinh nghiệm mừng hụt khi nhận thông tin về quy định xử phạt những kẻ hút thuốc lá hoặc “tè” bậy nơi công cộng.
Vô số chuyện thương tâm đã xảy ra từ nạn ép rượu. Không ít bị can trong các vụ án khai với cơ quan điều tra rằng họ gây thương tích cho người khác trong tình trạng say sưa do bị ép uống. Nhiều vụ án mạng xảy ra ở các địa phương, các khoảng thời gian khác nhau được đưa lên báo với cùng một tiêu đề “Bị ép uống rượu, đâm chết bạn nhậu”.
Trong hàng vạn nạn nhân của rượu bia đang khốn khổ vật lộn với thần chết tại các chuyên khoa về gan, ung bướu, chống độc… của bệnh viện, rất nhiều người uống do bị ép. Đó là chưa kể những khổ đau khác liên quan đến tai nạn giao thông, nạn hiếp dâm, ngoại tình, mâu thuẫn gia đình…
Xúi giục, ép uống rượu bia chính là tội ác, cần phải bị nghiêm trị. Nhưng liệu Nghị định 117-CP có làm được điều đó, khi chỉ riêng câu hỏi “ai sẽ phát hiện, kiểm tra và xử phạt” đã rất khó trả lời?
Mỗi giờ chỉ ở riêng địa bàn một xã, phường đã có biết bao cuộc nhậu, hầu như cuộc nào cũng có người phải uống trái với mong muốn bản thân do bị “động viên”, năn nỉ, khích bác, thậm chí dọa dẫm… Cho dù cơ quan chức năng có đủ lực lượng rải khắp nơi, thì dựa vào đâu để xác định hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc”? Cái gì được coi là chứng cứ?
Mỗi người khi đến với một cuộc nhậu đều có quan hệ nhất định với người khác trên bàn tiệc, có ai dám tố cáo rằng mình hay bạn mình bị kẻ khác bắt uống chăng? Liệu những người khác trong mâm có sẵn sàng làm nhân chứng? Tố cáo, chắc gì đã đủ căn cứ pháp luật để bắt kẻ kia chịu phạt, mà cho dù bị phạt cũng chỉ mất cùng lắm 3 triệu đồng, trong khi nạn nhân có thể mất rất nhiều… Vả lại, nhiều nạn nhân của tệ ép rượu cũng chính là thủ phạm ép rượu người khác, thậm chí ngay trong cuộc nhậu đó. Vậy phạt ai đây?
Nếu cơ quan chức năng không có kịch bản và phân công nhiệm vụ rõ ràng, quy định phạt hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu bia cũng chỉ nằm trên giấy. Hãy nhìn vào hiệu quả thực tế của các quy định phạt người hút thuốc lá, đại tiểu tiện nơi công cộng sẽ rõ.
Năm 2013, Chính phủ ra Nghị định 179 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt 200 - 300 nghìn đồng. Năm 2016, Nghị định 155 được ban hành thay thế, mức phạt tăng thành 1 – 3 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, nhiều góc phố, hè đường, bến xe… vẫn khai nồng mùi nước tiểu. Không khó bắt gặp hình ảnh những gã đàn ông ngang nhiên đứng tè bậy ngay trên phố. Hầu như không có báo cáo nào về xử phạt, trừ vài trường hợp “tè” bậy trong thang máy chung cư do có camera ghi lại và cộng đồng mạng phản ứng quá dữ dội.
Còn hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm (bệnh viện, trường học, địa điểm công cộng…) cũng đã có quy định xử phạt từ năm 2013. Tuy nhiên đến nay, cơ quan chức năng các địa phương vẫn luôn kêu khó, nên hầu như chỉ dừng lại ở “tuyên truyền, nhắc nhở”. Theo thông tin trên báo chí, đến tháng 6/2019, Đà Nẵng – thành phố đáng sống, nơi các hành vi kém văn minh nơi công cộng bị xử lý khá nghiêm – chưa xử phạt một trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng nào. Tại TP Điện Biên Phủ, đến tháng 8/2020, ông Trưởng phòng Y tế cho biết “chưa xử phạt được ai”. Số người bị phạt do hành vi này cũng bằng 0 ở Vĩnh Phúc, tính đến tháng 6/2020.
Có lẽ tình hình cũng tương tự ở các địa phương khác, bởi rất khó tìm được thông tin, báo cáo về con số xử phạt người hút thuốc lá ở địa điểm cấm.
Quy định đã có nhưng không thực hiện được, e sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng nhờn pháp luật, coi thường phép nước. Đương nhiên, quy định xử phạt nhất thiết phải có để loại trừ các hành vi xấu và nguy hại, nhưng nếu không sẵn sàng về lực lượng và giải pháp thực hiện thì sẽ bất khả thi. Với việc loại bỏ tệ nạn ép người khác uống bia rượu cũng vậy.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận phía dưới.