Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Coi công ty như gia đình' là lời phỉnh phờ chỉ có lợi cho các sếp

(VTC News) -

"Chúng ta là một gia đình" là lời nói dối vẫn phỉnh phờ được rất nhiều người trẻ; thực ra điều đó chỉ có lợi cho sếp và công ty, còn với nhân viên là sai lầm lớn.

Thời trẻ trâu, tôi cũng từng ngây thơ tin vào lời "hiệu triệu" của sếp khi kêu gọi mọi người tận hiến, coi công ty như gia đình mình. Sếp tôi rất giỏi truyền cảm hứng. Anh biết cách động viên nhân viên, nhận ra thế mạnh từng người để phát huy, khen ngợi kịp thời khi có thành tích. Bản thân anh là tấm gương làm việc quên ăn quên ngủ, dành gần như toàn bộ thời gian và tâm huyết cho công ty. Chính vì thế nên câu nói này của sếp đối với chúng tôi là vô cùng thuyết phục, đáng tin cậy: "Anh luôn coi công ty mình như một gia đình, coi mọi người như anh chị em trong nhà, tất cả cùng nỗ lực cho ngôi nhà chung của chúng ta".

Quả thật đám nhân viên trẻ chúng tôi đã luôn coi công ty như gia đình mình mà sếp là người anh cả. Lương của chúng tôi không cao nhưng không quá tệ, cái chính là cả một tương lai huy hoàng phía trước nếu mỗi thành viên trong gia đình này đều nỗ lực hết sức mình. Chúng tôi không ít lần ăn ngủ ở công ty, cố động viên người yêu/bạn đời hy sinh khoảng thời gian bên nhau, thời gian vun đắp gia đình nhỏ, cho đến một ngày vỡ mộng vì "gia đình lớn".

Đó là khi gặp tình huống cần lựa chọn, công ty tôi đã thẳng tay hy sinh quyền lợi nhân viên. Không ít người gắn bó nhiều năm, vẫn luôn làm việc chăm chỉ nhưng vẫn bị loại bỏ vì họ không còn phù hợp với hướng phát triển mới của công ty. Sếp không hề sai, người lãnh đạo giỏi luôn phải chọn điều tốt nhất cho đơn vị mình và anh luôn chọn đúng. Cái sai chính là niềm tin "công ty chúng ta là một gia đình, mọi thành viên là anh chị em" mà chúng tôi vẫn duy trì bao năm. 

Nhiều người đã vỡ mộng vì từng coi công ty là gia đình. (Ảnh minh họa)

Sự khác nhau giữa công ty và gia đình là gì? Gia đình luôn hành động vì hạnh phúc của mỗi thành viên, dù người đó thông minh hay ngu dốt, khỏe mạnh hay bệnh tật, thậm chí cả khi người đó hư hỏng, làm buồn lòng những người còn lại. Thậm chí, đứa con hư thường lại được dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc nhất, được dồn cho nhiều nguồn lực nhất để cứu vớt, cải thiện cuộc đời. Còn công ty luôn hành động vì chính nó, các nhân viên chỉ là công cụ phục vụ lợi ích của nó. Chuyện "vì quyền lợi nhân viên" chỉ dành cho những người được việc cho công ty, ai không đem lại lợi ích cho nó sẽ bị loại bỏ không thương tiếc.

Khi gặp khó khăn, công ty giống như con tàu giữa biển khơi, sẵn sàng vứt bỏ những vật nặng để không bị đắm. Còn gia đình không bao giờ bỏ rơi thành viên của nó dù người đó luôn là gánh nặng, kéo cả nhà vào thảm cảnh.

Khi đã tỉnh mộng, chúng tôi mới nhìn lại để nhận ra những điều sếp nói "coi nhân viên như em út" thực chất là gì. Đó là những lần chúng tôi đề xuất tăng lương hay tính thêm khác khoản trợ cấp, sếp thường nói: "Yên tâm, anh sẽ không bao giờ để các em thiệt"; "Anh sẽ lo cho các chú có nhà, có xe, các chú chỉ cần cống hiến hết mình cho công ty phát triển"... Nhân viên nào riết ráo quá thì sếp trách sao cứ phải tính toán so đo như vậy, khiến cho người đó cảm thấy có lỗi. Ừ, chúng ta là một gia đình, ai lại đi tính toán thiệt hơn, rạch ròi chắc cú với gia đình, với anh cả của mình chứ.

Cứ thế, trong thời gian dài, chúng tôi không nhận ra mình đang không được hưởng nhiều quyền lợi đương nhiên của người lao động, nhưng lại dốc hết sức lực và thời gian cho công ty, lơ là với gia đình thật sự của mình. Cảm giác khi nhận ra câu "công ty là gia đình của các bạn" là lời nói dối khủng khiếp, sự phỉnh phờ chỉ có lợi cho công ty và sếp, thực sự rất tệ. 

Do năng lực và khả năng thích ứng, đến nay, tôi vẫn ở lại công ty nhưng với một tâm thế khác. Tôi không còn coi công ty là gia đình, sếp là anh cả nữa. Đây là quan hệ giữa nhà tuyển dụng và người lao động, một mối quan hệ win - win sẽ vẫn tồn tại chừng nào hai nên đều đáp ứng những đòi hỏi của nhau và hài lòng với những gì nhận được. Tôi vẫn nỗ lực làm việc xứng với đồng lương mình nhận được và khi nhận thấy đãi ngộ không tương xứng với cống hiến, tôi thẳng thắn đòi hỏi, nếu không được đáp ứng sẽ vui vẻ ra đi, không ai nợ ai.

Còn trong gia đình, mọi người sẽ luôn bên nhau và vì nhau do duyên nợ của ân tình và máu mủ, không gì so sánh được.

(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết trùng với quan điểm của VTC News.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn ở box bình luận bên dưới.

Trần Hồng

Tin mới