Mới đây, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời câu hỏi của các cử tri kiến nghị đến Ban Dân nguyện về "đề nghị tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng, xử lý nghiêm các sai phạm".
Bộ Quốc phòng cho biết, đối với việc giải quyết đất quốc phòng bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai Chỉ thị số 90 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và phương án tổng thể giải quyết đất quốc phòng bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng.
Bộ Quốc phòng cho biết thêm, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, không để phát sinh tranh chấp mới, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng do lịch sử để lại.
Khu đất quốc phòng số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM (dấu đỏ) bị rơi vào tay tư nhân trong 49 năm. (Ảnh: Hữu Khoa)
Đối với việc xử lý, giải quyết các hợp đồng liên doanh, liên kết làm kinh tế có sử dụng đất quốc phòng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội, Bộ ban hành Quyết định số 178 năm 2020 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 92 năm 2019 của Thủ tướng.
Về công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo Chỉ thị số 15 năm 2019 của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân hoàn thành công tác kiểm kê, lập sơ đồ hiện trạng sử dụng đất quốc phòng báo cáo Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Về công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về đất quốc phòng, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Thanh tra Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2020 và tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, Thanh tra Bộ Quốc phòng có 4 cuộc thanh tra, 1 cuộc kiểm tra có nội dung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Trong đó, 3 cuộc thanh tra có nội dung thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đối với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Quân đoàn 4, Quân khu 1; 1 cuộc thanh tra chuyên sâu về các nguồn thu, chi từ cho thuê đất, tài sản trên đất quốc phòng đối với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; 1 cuộc kiểm tra chuyên sâu công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đối với Bộ Tư lệnh TP.HCM.
Đối với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 37 năm 2019 của Chính phủ.