Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu Quốc hội đề xuất lập Quỹ Phòng thủ dân sự để ứng phó thảm họa, sự cố

(VTC News) -

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý phương án cần lập Quỹ Phòng thủ dân sự để luôn sẵn sàng ứng phó với thảm hoạ, sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Tại buổi thảo luận dự thảo Luật Phòng thủ dân sự diễn chiều 24/5 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, hầu hết các đại biểu nhất trí với phương án lập Quỹ Phòng thủ dân sự để ứng phó với thảm hoạ, sự cố.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự bắt đầu được nghiên cứu và xây dựng từ năm 2020, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 5. Trong dự thảo đưa ra 2 phương án về việc lập Quỹ Phòng thủ dân sự.

Phương án 1, thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự từ trước, luôn sẵn sàng ứng phó trước sự cố, thảm họa xảy ra, góp phần hạn chế ảnh hưởng của sự cố, thảm họa.

Phương án 2, khi xảy ra thảm hoạ, Thủ tướng sẽ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự, kêu gọi tài trợ cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Đại biểu Hà Thọ Bình phát biểu chiều 24/5.

Đại biểu Quốc hội Hà Thọ Bình (Đoàn Hà Tĩnh) đồng ý phương án cần thiết lập Quỹ Phòng thủ dân sự từ trước, sẵn sàng ứng phó thảm họa, sự số.

Theo đại biểu, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rộng, liên quan nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh... Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời.

"Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Do đó, khi xảy ra sự cố, chúng ta sẽ có ngay Quỹ Phòng thủ để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra", ông Bình nói.

Đại biểu Châu Chắc (đoàn An Giang) cho rằng, viêc lập Quỹ Phòng thủ dân sự là cần thiết và phù hợp. Những hoạt động phòng thủ dân sự diễn ra với không gian rộng, thời gian diễn ra nhanh, tính chất, mức độ, cấp độ khác nhau và phức tạp, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của tổ chức, Nhà nước.

Đại biểu lấy ví dụ về khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh như trong phòng, chống bão lũ, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua...

Bên cạnh đó, thực tiễn trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, việc chuẩn bị lực lượng dự bị tốt, công tác hậu phương tốt luôn chủ động trong mọi tình huống, không bị động, bất ngờ sẽ giành thắng lợi cao và ngược lại. Do đó, ông Châu Chắc cho rằng, khi lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ tạo ra nguồn lực lớn, góp phần giúp ngân sách Nhà nước khi thiếu hoặc không kịp thời.

Các đại biểu lắng nghe ý kiến thảo luận.

Nhất trí với đề xuất lập Quỹ Phòng thủ dân sự, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực. Trong đó, nguồn lực tài chính rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra.

Đại biểu tỉnh Đắk Nông đặc biệt lưu ý đến công tác quản lý Quỹ để đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu, việc huy động Quỹ trong Luật là cơ sở pháp lý cho việc huy động, quản lý, sử dụng kịp thời nguồn kinh phí nhằm khắc phục ngay khi thảm họa sự cố xảy ra, tránh tình trạng phải chờ Thủ tướng quyết định thành lập Quỹ trong trường hợp cấp bách. 

Hà Cường

Tin mới