Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Xây dựng năng lực phòng thủ dân sự
Góp ý vào Báo cáo chính trị của dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) đề xuất ý kiến cần "xây dựng năng lực phòng thủ dân sự cho toàn dân nhất là ở địa bàn trọng yếu, có khả năng xử lý trong các tình huống thiên tai, dịch bệnh, thảm hoạ".
Tướng Nguyễn Minh Hoàng.
Bằng cách này, sẽ tập cho người dân biết cách bảo vệ mình trước thiên tai, dịch bệnh, thảm hoạ. Khi có sự cố, người dân sẽ biết cách ứng phó điều kiện thực tế. Người dân sẽ không hoảng loạn, hợp tác cùng với chính quyền thực hiện việc di tản, tránh trú an toàn, bảo đảm tính mạng, tài sản.
"Chúng ta cần xây dựng khung phòng thủ dân sự. Đây là yếu tố hết sức tiên tiến đã được các quốc gia như Nhật Bản, Indonesia, Singapore thực hiện tốt", tướng Hoàng nói.
Theo vị đại biểu đoàn TP.HCM, đây là sẽ là phương pháp giúp hiện thực hoá một cách rõ ràng hơn, tốt hơn việc đảm bảo an toàn, an ninh của nhân dân.
Báo cáo chính trị trong dự thảo Văn kiện XIII nêu rõ "phải coi an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Phải chuyển mạnh sang việc "chủ động phòng ngừa" là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh". Tướng Hoàng đánh giá cao và coi đây là nét mới tích cực trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII lần này.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Dẫn thực tế có rất nhiều cán bộ chỉ xác định làm việc “tròn vai” vì sợ sai, đại biểu Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) góp ý, các dự thảo Văn kiện cần phải nhấn mạnh hơn tới vấn đề bảo vệ cán bộ có tư tưởng, cách làm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị cần phân tích sâu sắc hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, căn cứ, cơ sở phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và giải pháp thực hiện; đồng thời xác định tính trọng tâm, trọng điểm trong các đột phá chiến lược; cụ thể hóa hơn các nội hàm về đổi mới thể chế trong từng lĩnh vực và rà soát lại tính bao quát, tính khả thi của một số chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng để bảo đảm tính nhất quán trong các báo cáo.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai thảo luận tại tổ.
Chung quan điểm, đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn hà Nội) bày tỏ sự lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm trong quan điểm chỉ đạo của Đảng trong giai đoạn mới.
Góp ý về các hướng đột phá của nhiệm kỳ tới, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), cần phải chú trọng thay đổi tư duy, cách làm.
“Từ thực tế quá trình làm luật của chúng ta hiện nay cho thấy cần phải thay đổi tư, cách làm. Dù chúng ta đã ban hành nhiều bộ luật nhưng tính ổn định chưa cao. Giữa các luật vẫn còn sự chồng chéo với nhau”.
Để giải quyết tình trạng trên, cần phải nhận định để tách “lợi ích nhóm” nếu có trong vấn đề soạn luật. Quốc hội cần phải thành lập các Ban soạn thảo luật, hiện nay vấn đề này còn dựa nhiều vào Chính phủ. “Nếu giải quyết được bài toàn thể chế và luật pháp, sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn”, đại biểu Ngân nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng khi Đảng đã lấy ý kiến dự thảo rất rộng rãi, đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để người dân quan tâm, đóng góp cho Đảng, cho sự phát triển của đất nước.
Bày tỏ sự đồng tình về về 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng được nêu trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biển đảo với cách làm kiên quyết, kiên trì, mềm dẻo và khôn khéo. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng cần đưa ra quan điểm ưu tiên để tạo ra những đột biến trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.