Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu QH đề nghị làm rõ tranh chấp, nói xấu liên quan hoạt động từ thiện

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội cho rằng xuất hiện tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội liên quan hoạt động từ thiện nên đề nghị quan chức năng làm rõ.

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, các công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng chống tham nhũng năm 2021 và dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động kêu gọi, vận động từ thiện trong phòng chống dịch, thiên tai lũ lụt xảy ra tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống.

"Các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ vấn đề này một cách kịp thời hơn để làm rõ, trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai" - đại biểu Phan Thái Bình đề nghị.

Đại biểu Phan Thái Bình thảo luận tại Quốc hội.

Vị đại biểu Đoàn Quảng Nam nêu, trong báo cáo của Chính phủ, các vụ việc gây rối trật tự trong năm tăng hơn 18%, các vụ việc chống người thi hành công vụ tăng 20%. Ông đề nghị đánh giá, phân tích rõ hơn vì sao tỷ lệ tội phạm gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tăng cao trong năm 2021 (ngoài tác động của tình hình dịch bệnh thì liệu có nguyên nhân gì khác) để từ đó có giải pháp phù hợp.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, trong năm 2021, tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tỷ lệ giải quyết vụ án chưa đạt mục tiêu Quốc hội giao. Một số vụ án, vụ việc còn kéo dài, án trả hồ sơ bổ sung giữa các cơ quan tố tụng còn xảy ra. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm chưa cao, kết quả thi hành án dân sự thấp.

Theo đại biểu này, nhiều nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trên, như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng vụ án, vụ việc phải giải quyết vẫn nhiều; điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đang phải chịu áp lực rất lớn với những quy định ngày càng chặt, đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm để tránh oan sai và tránh bỏ lọt tội phạm.

"Chế độ phụ cấp của điều tra viên còn hạn chế so với chức danh tư pháp khác. Thực hiện chính sách tinh giảm biên chế nên các ngành không đủ biên chế và các ngành chức danh tư pháp để đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ ngày càng tăng cao”, ông Nguyễn Thanh Hải nói.

Đại biểu đến từ đoàn Thừa Thiên - Huế cho biết, trong báo cáo thì ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân còn thiếu biên chế, nhất là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán.

Do đó, ông Hải đề nghị Quốc hội xem xét tăng hoặc bổ sung biên chế ít nhất cũng bằng biên chế trước năm 2015, khi chưa thực hiện chính sách cắt giảm biên chế trong ngành Tòa án và VKSND. Cùng với đó, vị đại biểu này cho rằng cần quan tâm chế độ phụ cấp cho điều tra viên trong lực lượng Công an Nhân dân.

Quang Tuyền - Xuân Trường

Tin mới