Gia nhập đoàn tàu Không số khi đường Hồ Chí Minh trên biển thành lập gần 3 năm, ông Vũ Trung Tính đã 18 lần tham gia các chuyến vượt biển vận chuyển vũ khí cho chiến trường. Việc gia nhập đoàn tàu Không số giúp ông hiểu hơn về lịch sử con đường huyền thoại này, đồng thời cũng để lại cho ông những kỷ niệm không quên trong những lần tham gia vận chuyển vũ khí trên Biển Đông.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 nhận hàng lên tàu Không số để vận chuyển cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: T.L)
Gặp huyền thoại Bông Văn Dĩa
Tuy đã gần tuổi tám mươi, nhưng cựu chiến binh (CCB) Vũ Trung Tính (hiện trú tại phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) vẫn giữ được vóc dáng rắn rỏi, khỏe mạnh của một thủy thủ từng được đào tạo bài bản, tuyển chọn kỹ để tham gia đoàn tàu Không số năm xưa.
Cựu binh Vũ Trung Tính cho biết, ông từng học Trường Trung cấp Hàng Hải từ năm 1961-1963. Tháng 2/1964, khi Quân chủng Hải quân tuyển quân, do bơi giỏi nên ông được tuyển chọn, sau đó 2 tháng được điều về Lữ đoàn 125 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam tuyến Hồ Chí Minh trên biển.
Tại Lữ đoàn 125, Vũ Trung Tính được điều về tàu số hiệu 42, làm nhiệm vụ lái tàu. Chuyến đi biển đầu tiên, tàu 42 khởi hành tháng 6/1964 tại cảng K15 ở Đồ Sơn (Hải Phòng), chở 60 tấn vũ khí để chuyển tới bến Vàm Lũng (Cà Mau). Suốt một tuần lênh đênh trên biển, gặp nhiều tàu địch, nhưng tàu 42 đều luồn tránh được. Đến khi vào gần bờ, thấy những ánh sáng lấp lánh cả một vùng rộng lớn, mọi người giật mình tưởng đó là thành phố. Nhưng khi bắt liên lạc với bến Vàm Lũng đã xác định nơi đó an toàn, thứ ánh sáng kia là do đàn đom đóm phát quang trong rừng đước.
“Khi chuyến hàng đầu tiên tới bến, các thủy thủ tàu và người của bến choàng vai nhau, mừng vui khôn tả”- CCB Vũ Trung Tính cho biết. Rồi ông kể, tại đây, điều bất ngờ đối với không ít thành viên tàu 42 là gặp ông Bông Văn Dĩa, một huyền thoại trên Biển Đông, nay có mặt ở Vàm Lũng để chỉ huy việc tiếp nhận vũ khí tại đây.
Ông Vũ Trung Tính (thứ 2 từ trái sang) cùng một số đồng đội của đoàn tàu Không số. (Ảnh: NVCC)
Trước đây, khi đường Hồ Chí Minh trên biển chưa chính thức thành lập, ông Dĩa là người tiên phong, từng có những chuyến vượt biển từ Bắc vào Nam để thực thi nhiệm vụ. Những đóng góp của ông góp phần để Bộ Quốc phòng thành lập đường Hồ Chí Minh trên biển sau này.
“Sau khi con đường trên biển được thành lập, ông Bông Văn Dĩa lại là một thành viên trên con tàu đầu tiên vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Thời điểm đó, vào đêm 12/10/1962, chiếc tàu “Phương Đông 1” gồm 10 thủy thủ, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chở hơn 30 tấn vũ khí rời bến K15, để đến ngày 19/10/1962 cập bến Vàm Lũng giao hàng an toàn. Tàu “Phương Đông 1” đã đi vào lịch sử, chính thức khai thông tuyến vận tải quân sự bằng đường biển của ta”- ông Tính cho biết.
Tháng 11/1964, tàu 42 tiếp tục chở vũ khí vào bến Vàm Lũng. Tàu vừa khởi hành từ bến K15 thì gió mùa Đông bắc tràn xuống khiến nhiều thành viên của tàu bị ảnh hưởng. May mắn, sau 5 ngày di chuyển tàu đã tới bến an toàn. Tại đây, Vũ Trung Tính có dịp gặp lại ông Bông Văn Dĩa. Ông Dĩa quý Vũ Trung Tính, nên khi chia tay đã tặng người lính trẻ này một con rái cá để mang ra Bắc làm kỷ niệm.
“Tôi dự định khi mang con rái cá về sẽ đưa vào Vườn Bách thú Hà Nội nuôi. Nhưng khi trở ra, tàu gặp bão mạnh khiến con rái cá bị ảnh hưởng bởi những đợt rung lắc dữ dội nên đã chết. Điều này khiến tôi tiếc mãi”- ông Tính chia sẻ.
Tiên phong tìm hướng vận chuyển mới
Tháng 2/1965, do một tàu của ta bị lộ tại bến Vũng Rô (Phú Yên), nên đường vận chuyển vũ khí tại Biển Đông theo hướng cũ bị địch phong tỏa. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 125 tạm dừng hoạt động một thời gian để tìm hướng vận chuyển mới. Hướng mới này đi trên vùng biển quốc tế, phải qua hải phận một số nước Đông Nam Á bằng phương pháp hàng hải thiên văn, tức là những người có trách nhiệm trong việc tàu di chuyển, đặc biệt là lái tàu phải nhìn mặt trời, mặt trăng, sao trời để xác định đường đi. “Công việc này rất quan trọng, vì nếu xác định không chuẩn sẽ ảnh hưởng đến hành trình của tàu, và nguy hiểm hơn là tàu có thể sa vào bãi cạn hoặc đồn bốt địch”- ông Vũ Trung Tính cho biết.
Tàu 42 được cấp trên giao nhiệm vụ vừa vận chuyển vũ khí, vừa kết hợp tìm hướng đi mới an toàn hơn trong chuyến đi này. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên, các thành viên ưu tú được tuyển chọn từ các tàu trong đoàn để điều động về tàu 42. Là thành viên cũ, nhưng Vũ Trung Tính được đánh giá là lái tàu giỏi, có chuyên môn tốt về thiên văn nên được giữ lại tàu.
Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 15/10/1965, tàu 42 đã chuyên chở 60 tấn vũ khí, trong đó có 4 quả thủy lôi (mỗi quả nặng 1 tấn) lên đường. Sau vài ngày lênh đênh trên biển, tàu tạt qua Hải Nam (Trung Quốc), sau đó chuyển hướng vào bờ. Nhưng vào lúc này, tàu khu trục của Mỹ xuất hiện và bám theo, trong khi trên trời máy bay của chúng cũng hạ thấp độ cao để quan sát. Trước tình thế hiểm nghèo, thuyền trưởng tàu 42 Nguyễn Văn Cứng ra lệnh cho đồng đội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tình huống xấu có thể phải nổ tàu.
Thời điểm đó, con tàu 42 và toàn bộ thủy thủ đoàn được “hóa trang” giống như một tàu đánh cá của ngư dân nước ngoài. Nay trước tình thế có thể bị lộ, Vũ Trung Tính chợt nảy ý định làm cách nào đó để phía địch thấy rõ đây là tàu đánh cá của ngư dân nước ngoài.
Thấy trong tàu có Lưu Đình Lừng với chiếc mũi cao khá giống người nước ngoài nên Vũ Trung Tính đề xuất ý tưởng cho Lừng giả “Tây” để đánh lừa địch. Được thuyền trưởng Cứng đồng ý, Lưu Đình Lừng bèn lên boong tàu ăn cam, chuối, hút thuốc lá thơm rồi ném mẩu thuốc lá lên không trung. Tên phi công thấy vậy bớt nghi ngờ, lượn thêm một vòng rồi bỏ mục tiêu. Chiếc khu trục bám theo cũng rời đi chỗ khác.
Sau khi thoát khỏi sự đeo bám của địch, để đề phòng chúng quay trở lại, tàu 42 dừng lại giả vờ đánh cá một thời gian. Đêm 24/10/1965, tàu đã vào bến Kiến Vàng để giao hàng. “Cũng từ sau chuyến tìm hướng đi mới ấy, một số tàu của ta đã thực hiện theo đường mà tàu 42 đã thiết lập”- CCB Vũ Trung Tính cho biết.
Tháng 7/1959, một tiểu đoàn vận tải biển được thành lập, đóng tại cửa biển sông Gianh (Quảng Bình) với tên gọi “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”.
Thời kỳ đầu, đoàn tàu gồm các tàu vận tải cỡ nhỏ để thâm nhập vào miền Nam, và mặc dù có số hiệu đầy đủ, nhưng để giữ bí mật các tàu này Không sơn số hiệu lên thân tàu, nên được biết với tên gọi chung là tàu Không số.
Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, là nòng cốt của Đoàn tàu Không số, sau đó trở thành Lữ đoàn 125 thuộc Hải quân Nhân dân Việt Nam.