Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lính tàu không số kể chuyến vượt biển đầu tiên đưa Đại tướng Lê Đức Anh vào miền Nam

Trong chuyến vượt biển đầu tiên, ông Hương cùng đồng đội được lệnh đưa 4 cán bộ cấp cao của Trung ương vào miền Nam, 1 trong 4 người đó là ông Lê Đức Anh.

Sáng qua (3/5), cựu chiến binh đoàn tàu không số Phạm Xuân Hương (SN 1942, trú Kim Liên, Hà Nội) cùng đồng đội nghẹn ngào đưa tiễn Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Không giấu được sự xúc động, ông Hương  kể, ông từng có mặt trên chuyến tàu không số đưa ông Lê Đức Anh vào miền Nam năm 1964.

Cựu chiến binh Phạm Xuân Hương

Ông kể: "Năm 1964, khi đang học tại trường đại học Hàng hải Việt Nam, tôi viết đơn tham gia nhập ngũ.

Sau các cuộc kiểm tra, tôi được đưa lên Xuân Mai (Hòa Bình) huấn luyện 3 tháng. Chuẩn bị lên đường vào chiến trường B (miền Nam) thì tôi được Bộ Tổng tham mưu rút lại cùng 31 người khác.

Chúng tôi được đưa về sân bay Kiến An (Hải Phòng) thử sóng (bài kiểm tra cho các thuyền viên). Ai chịu đựng được sóng sẽ chuyển về hoạt động tại Đoàn 759 (đoàn tàu không số)".

Qua các bài kiểm tra, ông Hương chính thức trở thành chiến sĩ trên đoàn tàu lịch sử đó.

Trong chuyến vượt biển đầu tiên vào tháng 10/1964, ông cùng đồng đội được lệnh đưa 4 cán bộ cấp cao của Trung ương vào miền Nam. Ông không ngờ, 1 trong 4 người đó là Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau này.

Cựu chiến binh đoàn tàu không số đến viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Ông Hương chia sẻ: "Tất cả chiến sĩ trên tàu không ai được biên thư về nhà. Lộ trình, thời gian đi của tàu đều được giữ bí mật đến phút chót.

Chúng tôi chỉ được thông báo trước khi tàu khởi hành 3 tiếng. Khoảng thời gian này, không ai được phép rời tàu. Mỗi tàu gồm 18 sĩ quan và chiến sĩ".

Hôm xuất phát, ông Hương cùng đồng đội nhận chỉ thị từ cấp trên, sẽ đón 4 cán bộ lên tàu. Được biết, đây là cán bộ cấp cao của Trung ương, nếu đi theo đường Trường Sơn sẽ khó đảm bảo an toàn. Thời kỳ này đường sá khó khăn, nếu vào Nam bằng đường bộ, ít nhất phải mất vài tháng mới đến nơi.

Trước tình hình cấp bách, Trung ương quyết định bố trí cho 4 cán bộ vào Nam bằng đường biển. Chuyến đi dự kiến 9-10 ngày.

Khi màn đêm buông xuống, tiếng sóng vỗ ì oạp bên mạn thuyền, 4 người này xuất hiện. Theo trí nhớ của ông Hương, thời tiết lúc này đã chuyển sang mùa đông, trời khá lạnh.

"Tôi làm thợ máy, khi lên tàu họ gật đầu chào rồi nhanh chóng rút vào gian buồng nhỏ trên tàu.

Tinh thần các chiến sĩ trên tàu lúc đó hết sức căng thẳng. Tôi lần đầu làm nhiệm vụ nên cũng gặp nhiều áp lực vì không ai biết sẽ xảy ra chuyện gì phía trước.

Trong 4 cán bộ, tôi ấn tượng với người có vóc dáng cao to, một bên mắt bị hỏng. Mãi sau này, khi ông Lê Đức Anh lên làm Chủ tịch nước, tôi ngỡ ngàng nhận ra đó chính vị cán bộ đi vào miền Nam trên chuyến tàu năm nào".

Video: Lễ di quan nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Ông Hương chia sẻ thêm, để giữ bí mật, 18 chiến sĩ trên tàu không ai được tiếp xúc với 4 cán bộ này. Đến bữa, chỉ một người phục vụ bưng đồ ăn lên phòng.

Tàu ra đến giữa biển, gặp sóng to, gió lớn, ông và các chiến sĩ trên tàu phân công nhau, người giữ nồi, người giữ bếp mới nấu được cơm.

"Thực phẩm cho chuyến đi phần lớn là thịt hộp, cá khô, lương khô. Do chưa có tủ cấp đông như bây giờ nên toàn bộ 22 con người chỉ được ăn rau vào ngày đầu. Những ngày sau là ăn đồ khô.

Ngày thứ 10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 4 cán bộ được người dẫn đường đến đón đi.

Chuyến tàu trở thành kỷ niệm đẹp, không thể phai trong trái tim tôi và đồng đội. Hôm nay, cựu chiến binh của đoàn tàu không số chúng tôi đến tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh một đoạn đường cuối", ông Hương nghẹn ngào.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới