Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, một con ong mật Nam Phi không thay đổi cấu trúc DNA của nó khi đẻ trứng.
Điều này cho phép nó tạo ra các bản sao hoàn hảo của chính mình và khiến con ong này gần như bất tử.
Theo nghiên cứu, con ong mật mà các nhà khoa học theo dõi tạo ra hàng triệu con ong bằng cách sinh sản vô tính trong ba thập kỷ qua.
Một con ong mật Nam Phi đã nhân bản chính nó hàng triệu lần. (Ảnh: Shutterstock)
Sinh sản vô tính ở động vật là hình thức sinh sản mà con mẹ sinh ra các con non giống hệt mình mà không cần tới tinh trùng. Cơ thể con được hình thành từ một phần cơ thể mẹ hoặc từ tế bào trứng nhờ nguyên phân.
"Thật không thể tin nổi. Đó là một sự rối loạn chức năng đáng kinh ngạc", Benjamin Oldroyd, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư di truyền học hành vi tại Đại học Sydney cho hay.
Sinh sản vô tính không phải là điều hiếm thấy ở côn trùng. Dù vậy, thông thường, các con non sẽ có cấu tạo gen khác nhau.
Nhưng ong mật Nam Phi thì khác. Nó dường như luôn tạo ra bản sao hoàn hảo về DNA của nó khi sinh sản.
Tuy nhiên, lũ ong con lại gây rắc rối cho đàn ong của chúng và tổ ong đối thủ. Nguyên nhân là bởi trong tổ, chỉ có ong chúa mới có khả năng sinh sản. Nếu ong thợ có khả năng đẻ con, tổ ong sẽ bị rối loạn.
"Cuối cùng, những con ong thợ chỉ quanh quẩn với việc đẻ trứng mà không làm được gì cả. Thuộc địa bị mất và những con ong "nhân bản vô tính" sẽ lây lan sang các thuộc địa khác", Oldroyd cho biết.
Theo Oldroyd, hiện tượng này giết chết khoảng 10% đàn ong Nam Phi mỗi năm và giống như “một căn bệnh ung thư xã hội có thể lây truyền”.