Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có một xác ướp quý tộc trăm tuổi đang yên nghỉ giữa lòng Sài Gòn mà ít ai biết

Bạn có biết, nằm ngay giữa trung tâm quận 1, TP HCM có một xác ướp hàng trăm tuổi đang an giấc nghìn thu.

Đầu năm 1994, khi di dời nghĩa trang để chỉnh trang khu vực xóm Cải, phường 8, quận 5, TP HCM, một ngôi mộ cổ kỳ bí được phát hiện, hé lộ những bí ẩn mang tính lịch sử. Từ đó, người dân nơi đây gọi đó là “Xác ướp xóm Cải”.

Hơn 20 năm kể từ ngày được khai quật, "xác ướp xóm Cải" vẫn được bảo quản đặc biệt tại viện bảo tàng lịch sử Việt Nam (TP HCM), ai đến thăm cũng trầm trồ.

 

Mộ được chôn rất sâu, phải mất 40 ngày, 15 thanh niên mới đục đến được đáy quách sâu gần 8m. Vỏ quách kiên cố như tường thành, được làm bằng hợp chất gồm vỏ sò nung, cát, than gỗ và mật ong. Quan tài lớn hơn bình thường, được ghép bằng hai lớp gỗ qu‎ý. Dưới nắp quan tài là hai lớp chiếu cói và một lớp giấy bản dày hơn 5 cm.

Ngập trong chất dầu thơm có màu đỏ, xác ướp được bọc trong chín lớp áo vải, lụa, gấm quý. Đây là một phụ nữ trạc 60 tuổi, tóc cắt ngắn chớm vai, da dẻ mịn màng và hơi có màu đỏ sạm của dầu thơm. Các khớp xương của xác ướp vẫn còn co duỗi rất tốt, da thịt mềm mại, rất ít có dấu hiệu bị phân hủy.

 

Ngoài các đồ tùy táng thông thường, hiện vật trong mộ có nhiều vàng bạc, trong đó, có một đôi giày bằng vàng. Đây là trường hợp đặc biệt, khác hẳn với hầu hết các xác ướp đã từng khai quật. Đây có thể là lý do khiến huyệt mộ được đào sâu và xây dựng hết sức kiên cố. Tuy chỉ có thể đọc vài chữ nhưng các nhà khảo cổ vẫn xác định được thân phận, tên tuổi của người đã khuất. Xác ướp là của bà Trần Thị Hiệu. 

Căn cứ vào hình thức chôn cất cộng với sự nguy nga của lăng mộ và các đồ tùy táng được chôn cùng, các nhà nghiên cứu lịch sử xác định xác ướp người phụ nữ này là một quý tộc dưới triều Nguyễn, mất vào khoảng năm 1868. Theo nhiều nghiên cứu lịch sử, bà Nguyễn Thị Hiệu, được coi là hoàng thân quốc thích của vua Gia Long (Nguyễn Ánh, 1762 - 1820). 

 

Theo nhận định từ các chuyên gia khảo cổ, xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu là một trong số những trường hợp hiếm hoi được bồi táng rất nhiều vàng bạc và đồ dùng quý giá. Đây là một minh chứng rõ rệt cho việc bà có quan hệ huyết thống với Hoàng tộc nhà Nguyễn.

Khi mới khai quật, sự hoàn hảo của xác ướp đã khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên. Các khớp xương của bà Hiệu vẫn co duỗi linh hoạt, cơ thể bà chỉ bị teo lại chút ít, chưa có dấu hiệu phân hủy. Cơ thể mảnh mai, bàn tay nhỏ nhắn của xác ướp khiến các nhà khoa học nhận định lúc sinh thời bà đã có một cuộc sống an nhàn, không phải lao động vất vả. Điều này phù hợp với địa vị quý tộc của bà.

 

Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu là một trong những xác ướp nguyên vẹn nhất được phát hiện ở Việt Nam một thế kỷ qua. Đây là minh chứng cho nghệ thuật ướp xác đạt đến trình độ cao của người Việt trong quá khứ.

Bác sĩ Phan Bảo Khánh, người từng nghiên cứu nhiều xác ướp ở miền Trung và niềm Nam, rất thán phục nghệ thuật bảo quản thi hài tiền nhân. “Đó là cách ướp xác rất nhân văn, không cần dao kéo xâm hại đến thi thể để lấy đi não, nội tạng” - bác sĩ Khánh tiếc nuối có lẽ nghệ thuật bảo quản ướp xác độc đáo của tiền nhân đã thất truyền.

Thời nay, người ta có thể bỏ ra hàng tỉ đồng xây lăng mộ, nhưng chẳng còn mấy ai biết áp dụng nghệ thuật gìn giữ giấc ngủ ngàn thu xưa...

Cứ khoảng 3 tháng một lần, chuyên gia Đại học Y dược TP HCM lại sang kiểm tra tình trạng và lau thuốc chống nấm mốc, bảo vệ mô xác ướp. Phòng bà nằm cũng được gắn máy hút ẩm, máy thông gió hoạt động liên tục để giữ gìn xác ướp. Hiện nay, tại viện bảo tàng, xác của bà được đặt trong lồng kính uy nghiêm.

Cersei (Tổng hợp)

Tin mới