Gửi tiết kiệm - kênh đầu tư số 1
Gửi tiết kiệm, theo chuyên gia, là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay. Năm 2023 cũng sẽ là năm các dòng tiền tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, lãi suất nhiều ngân hàng hiện nay đã vượt 10%/năm, nên đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và lợi nhuận ổn trong năm 2023.
Đến thời điểm này, hiện một số ngân hàng có mức lãi suất cao có thể kể đến như: Saigon Bank với mức lãi áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng là 10,5%/năm. Đáng chú ý, Saigon Bank không có yêu cầu đi kèm về số tiền tối thiểu, gửi bao nhiêu tiền ở kỳ hạn trên cũng đều được hưởng lãi suất 10,5%/năm. Các kỳ hạn 12, 18, 24, 36 tháng được trả lãi 10% năm.
Nhiều ngân hàng cũng có mức lãi suất cao như SCB (9,95%/năm), Đông Á Bank (9,75%/năm)...
Chuyên gia tài chính Phan Linh - đồng thời là người sáng lập của Take Profit, công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo - tư vấn - đầu tư tài chính dự báo, nhiều khả năng lãi suất vẫn duy trì mặt bằng cao đến giữa 2023 đến khi Fed xoay chiều chính sách.
Năm 2023, đầu tư vào kênh nào để đạt hiệu quả?
Do đó, với những người thận trọng, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư số 1 trong năm 2023. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chọn các ngân hàng có yếu tố an toàn, chất lượng dịch vụ tốt, đi cùng với đó là xem xét mức lãi suất hợp lý để tối ưu hiệu quả đầu tư.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến 9%, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là kênh khả quan nhất và tính an toàn cao.
Tương tự, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank, nhận định việc hàng loạt ngân hàng liên tục nâng lãi suất huy động đầu vào lên gần 10%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên hay khách hàng gửi số tiền lớn thì lãi suất có thể lên đến 10,5% là một mức cao đầy hấp dẫn cho người đang có tiền nhàn rỗi. Chính vì vậy, lúc này cá nhân chọn lựa gửi tiền vào ngân hàng là tốt nhất.
Chứng khoán: Cần thời gian hồi phục
2022 có thể nói là một năm biến động của thị trường chứng khoán khi các cổ phiếu giảm sâu, tài khoản của hầu hết nhà đầu tư đều trong tình trạng âm nặng. Tuy nhiên, vào tháng cuối năm, có thời điểm chỉ số VN-Index đã tăng hơn 15,3%, lên 1.051,81 điểm. Mức tăng này khá bất ngờ đối với các nhà đầu tư, giúp một số cổ phiếu hồi phục tăng 50 - 70% từ mức đáy.
Những nhà đầu tư bắt đúng nhịp hồi phục này thu lợi cao. Dù vậy, nếu so với đầu năm 2022, VN-Index vẫn đang giảm gần 30% và hàng loạt cổ phiếu vẫn đang mất 50 - 60% giá trị. Cơ hội mua cổ phiếu rẻ mở ra nhưng nỗi lo thị trường lao dốc kéo dài vẫn ám ảnh các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, với chứng khoán, sau cú giảm rất mạnh lên tới hơn 40%, thị trường này sẽ cần một thời gian để phục hồi và ổn định trở lại. Tuy nhiên, chỉ cần chính sách nới lỏng trở lại, mọi thứ sẽ quay lại guồng quay mới.
Chuyên gia tài chính Phan Linh cho hay: “Tôi nghĩ là vào nửa sau 2023, thị trường sẽ bớt khó hơn cho chứng khoán. Khi đó, nhà đầu tư nên cân nhắc rót khoảng 20-30% vốn cho chứng khoán, còn lại vẫn nên lựa chọn một kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm. Khi chính sách thay đổi nới lỏng hơn, có thể xem xét dành ra 80% cho kênh này".
Còn theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Maybank Investment Bank: Nhà đầu tư chứng khoán cần tỉnh táo thời điểm này. Để phục hồi mạnh, thị trường chứng khoán cần dòng tiền. Để có được dòng tiền dồi dào, thì ít nhất, chu kỳ tiền đắt phải bắt đầu thay đổi, nhưng chu kỳ này chưa có dấu hiệu thay đổi.
Năm 2023, trong bối cảnh dòng tiền trên thế giới bị thắt chặt, dù việc thắt chặt có thể giảm, nhưng kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc. Trong phiên họp tháng 12/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm mức độ tăng lãi suất, song không có nghĩa là không tăng. Thậm chí, ngay cả khi Fed không tăng lãi suất, thì lãi suất vẫn nằm ở mức đỉnh một thời gian.
Việc thị trường hồi phục trong gần một tháng qua chỉ mang tính chất ngắn hạn, chưa bền vững. Hiện tại là cơ hội tốt để nhà đầu tư giảm bớt tỷ trọng margin cũng như tỷ trọng cổ phiếu. Với nhà đầu tư đang cầm tiền cũng chưa nên “đu” vào lúc này. Vùng mua sẽ an toàn hơn trong nửa cuối năm sau.
Vàng diễn biến khó lường
Mặc dù không “sốt xình xịch” như những tháng đầu năm nhưng đến nay, vàng vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 5,5 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 9,1%, đạt gần 66,5 triệu đồng/lượng.
Nếu tính ở thời điểm đầu tháng 3/2022, khi vàng miếng SJC ghi nhận mức giá tăng kỷ lục lên 74 triệu đồng/lượng, tức tăng 12,4 triệu đồng/lượng, tương ứng hơn 20% thì sóng vàng năm nay cũng khá mạnh. Tuy nhiên, so với mức giảm khoảng 30 USD/ounce so với đầu năm, xuống 1.798 USD/ounce của vàng thế giới, vàng trong nước “đi quá đà”. Sự khan hiếm nguồn cung là nguyên nhân đẩy giá trong nước cao hơn thế giới từ 13 - 20 triệu đồng/lượng tùy theo thời điểm. Thế nên dù đã giảm gần 8 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh hồi tháng 3 nhưng đa số chuyên gia đều cho rằng vàng quá rủi ro để đổ tiền vào lúc này.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, vàng và USD là các kênh thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố như chiến tranh, giá nhiên liệu, chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh hiện nay giá vàng rất khó dự đoán, có thể giảm trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư có tâm lý muốn bắt đáy thị trường nhưng sự thật vẫn không biết đâu là đáy nên cần cẩn trọng.
Bất động sản: Thích hợp đầu tư dài hạn
Khác với các kênh khác, bất động sản lại là kênh cần đến số tiền lớn và luôn được chú ý. Thời điểm đầu năm 2022, thị trường bất động sản thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn năm 2021 do tác động vết "dầu loang" từ kết quả phiên đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm lập đỉnh cuối năm ngoái, kết hợp với việc năm 2021 thị trường chứng khoán tăng nóng nên nhiều nhà đầu tư đã chốt lời và chuyển sang kênh đầu tư này…
Tuy nhiên, càng về cuối năm, bất động sản càng giảm mạnh. Chuyên gia cho rằng kênh này hiện thích hợp để đầu tư dài hạn chứ không phải ngắn hạn.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam lại cho rằng, về dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận cao. Vị này cho rằng, khi tìm kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nhà đầu tư nghĩ ngay đến bất động sản.
Theo ông Kiệt, thời gian gần đây, lãi suất, lạm phát tăng đã khiến thanh khoản bất động sản giảm và tâm lý thị trường bị xáo trộn. Điều hoang mang nhất là người mua khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Việc nới room tín dụng chưa giải quyết được vấn đề của thị trường bất động sản ở thời điểm này. Nhiều nhà đầu tư tiếp tục rơi vào trạng thái xáo trộn tâm lý, quan sát nghe ngóng
Tuy còn khó khăn, nhưng trong các kênh đầu tư hiện tại bất động sản vẫn được “gọi tên” là nơi trú ẩn an toàn với dòng tiền nhất, được các nhà đầu tư quan tâm. Trong quan điểm của nhà đầu tư cùng kinh nghiệm trải qua với bất động sản, họ vẫn coi bất động sản là kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nếu đặt bàn cân với vàng, chứng khoán, tiền ảo….
“Trong các kênh đầu tư hiện tại thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư và trú ẩn được các nhà đầu tư quan tâm. Mức sinh lời phù hợp, khả năng giữ giá trị qua khủng hoảng và khả năng khai thác là các yếu tố nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt đến bất động sản”, chuyên gia CBRE Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản đang sàng lọc. Giá bất động sản hiện nay là có giảm nhưng chỉ trong thời gian ngắn khi các doanh nghiệp cố gắng giải quyết các vấn đề về vốn. Về lâu dài thì giá bất động sản rất khó giảm vì nhìn vào cấu thành giá như tiền mua đất, phát triển dự án, xây dựng, chi phí bán hàng, vốn vay đều tăng.
Có thể thấy, tại Việt Nam, giá bất động sản tại một số khu vực tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng ở mức 15 - 20%/năm, thậm chí bất động sản tại trung tâm TP.HCM luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư thường sợ rủi ro nên không "bỏ trứng vào một giỏ". Tuy nhiên, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sáng giá trong thời điểm hiện nay, khi kênh chứng khoán chỉ dành cho những nhà đầu tư có kiến thức tài chính. Tất nhiên, khi lựa chọn bất động sản nào để rót vốn, nhà đầu tư và khách mua nhà cần phải tính toán nhiều yếu tố liên quan như ưu thế và tiềm năng tăng trưởng của dự án, chất lượng pháp lý, năng lực tài chính bản thân và khả năng chịu đựng tổn thất tiềm ẩn.