Thị trường tài chính vừa bước sang năm mới nhưng chủ đề đang thu hút mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư lại bắt nguồn từ nửa cuối năm 2021: lạm phát tăng vọt.
Ông Michael Sonnenfeldt, Chủ tịch của mạng lưới TIGER 21, bày tỏ: "Tương tự mọi tay chơi trên thị trường tài chính, giới siêu giàu cũng quan ngại về lạm phát và muốn bảo toàn tài sản của họ trong năm 2022".
Công ty TIGER 21 của ông Sonnenfeldt là một mạng lưới chuyên phục vụ các nhà đầu tư có khối tài sản ròng từ 10 triệu đến 1 tỷ USD.
Học giới siêu giàu ba chiến lược đầu tư thời lạm phát. (Ảnh minh họa: Getty Images).
Dù các nhà đầu tư bình thường không có hàng triệu USD trong tài khoản, nhưng họ có thể học hỏi từ chiến lược phân bổ nguồn tiền của giới siêu giàu, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực lạm phát phình to và ảnh hưởng đến tất cả mọi người.CNBC đã tổng hợp ba chiến lược đầu tư của các thành viên siêu giàu thuộc mạng lưới TIGER 21, cụ thể như sau:
Xây dựng danh mục chống lạm phát
Các thành viên của TIGER 21 tin rằng lạm phát sẽ tăng trong thời gian dài, thay vì nhất thời như nhận định trước đó của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trên thực tế, 65% thành viên của mạng lưới này dự đoán lạm phát sẽ tăng tốc trong năm 2022. Do đó, họ đang phân bổ nguồn tiền cho một số tài sản nhằm bảo vệ túi tiền trước áp lực lạm phát.
Ba nhóm tài sản chính gồm bất động sản như bất động sản khu công nghiệp và căn hộ; cổ phiếu của các công ty lớn như Amazon, Apple,…cũng như cổ phiếu của các mặt hàng tiêu dùng chủ lực và dịch vụ streaming; và cuối cùng là tiền ảo (sẽ được đề cập ở mục 2).
CNBC lưu ý, ngoài sở hữu nhà ở hay bất động sản khu công nghiệp, nhà đầu tư muốn rót tiền vào lĩnh vực địa ốc còn có thể thực hiện thông qua REIT (hay các quỹ đầu tư bất động sản).
REIT là một công ty đầu tư vào nhiều loại hình bất động sản khác như trung tâm mua sắm, condo, bệnh viện, garage để xe… Chúng ta có thể mua cổ phiếu của REIT để tiếp cận các khoản đầu tư bất động sản của những công ty này và biến bất động sản thành một phần trong danh mục dù không trực tiếp kiểm soát bất động sản.
Mạnh tay mua tiền ảo
Để thay thế các khoản đầu tư vào vàng - một tài sản truyền thống được cho là có thể chống lại lạm phát, các thành viên của TIGER 21 đã mạnh tay mua tiền ảo.
Chủ tịch Sonnenfeldt cho biết các thành viên của mạng lưới này đang đặt tiền vào ethereum (34%), bitcoin (33%), quỹ tiền ảo (23%), các đồng tiền ảo khác (15%) và dogecoin (2%).
Bitcoin đang được coi là "vàng kỹ thuật số" và về mặt lý thuyết có thể bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trước cú sốc lạm phát. Dù vậy, CNBC vẫn lưu ý rằng chưa chuyên gia nào rõ tiền ảo có phải một hàng rào ngừa lạm phát hiệu quả trong dài hạn hay không.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn có thể rót tiền vào tiền ảo bằng các ứng dụng tài chính. Đơn cử, PayPal hiện cho phép người dùng mua 4 đồng tiền ảo chính gồm bitcoin, ethereum, bitcoin cash và litecoin. Robinhood, ứng dụng di động để đầu tư chứng khoán, đang hỗ trợ giao dịch 7 đồng tiền ảo, trong đó bao gồm đồng meme-coin nổi tiếng là dogecoin.
Còn nếu muốn trực tiếp giao dịch cũng như kiểm soát ví tiền, nhà đầu tư có thể tìm đến sàn Coinbase, đơn vị đang cung cấp khoảng 50 đồng tiền ảo khác nhau.
Tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo
Cổ phiếu của các hãng xe điện vẫn đang là một trong các khoản đầu tư nổi trội. Giới siêu giàu đang đổ hàng đống tiền vào cổ phiếu của các công ty tiên phong như Tesla, Rivian và Lucid.
Cổ phiếu của Tesla không hề rẻ, hiện đang giao dịch quanh mức 1.049 USD/cp. Song, các nhà đầu tư bình thường có thể tiếp cận thị trường xe điện bằng cách rót tiền vào các quỹ ETF để đầu tư vào những công ty có liên quan đến xe điện. Đây là chiến lược đầu tư ít rủi ro hơn so với việc mua cổ phiếu.