Dù cơ quan chức năng TP.HCM liên tục kiểm tra, siết chặt, xử phạt, tuy nhiên hoạt động xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại.
Video: Xe khách đội lốt 'xe hợp đồng, xe du lịch' náo loạn khắp các tỉnh thành
Làm sao để chấm dứt tình trạng xe dù bến cóc và làm thế nào đưa các nhà xe vào đúng bến bãi hoạt động, đảm bảo cho giao thông thành phố được thông suốt, an toàn, hợp tình hợp lý là vấn đề được dư luận quan tâm.
Nhà xe Hoa Mai đón trả khách không đúng nơi quy định, gây náo loạn trung tâm TP.HCM.
Gây mất an ninh trật tự, có khả năng trốn thuế
Thực tế cho thấy, việc các nhà xe ngang nhiên đón trả khách hay tự lập bến lậu ở các tuyến đường trên địa TP.HCM đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đối với xã hội.
Trả lời VTC News, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cho biết, vấn nạn xe dù, bến cóc ảnh hưởng đến trật tự an ninh TP.HCM, ngân sách Nhà nước và doanh thu của bến xe.
Đây đều là những vấn đề nghiêm trọng, cần phải được xem xét, giải quyết rõ ràng, thấu đáo để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho TP.HCM.
Bị lực lượng chức năng "truy quét", các nhà xe vẫn ngang nhiên hoạt động, lập bến bãi mới.
Theo Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, vận tải hành khách có 3 loại gồm: Xe chạy tuyến cố định, xe hợp đồng và du lịch. Đối với xe chạy tuyến cố định bắt buộc phải xuất phát từ hai đầu bến, một bến xe ngay tỉnh và bến ở TP.HCM. Đồng thời nhà xe phải đón trả khách ở hai bến nêu trên.
Trường hợp nhà xe có mở bán vé trong nội thành thì phải chở hành khách ra bến xe mới được chở đi, tuy nhiên hiện nay một số loại hình vận tải hành khách được cấp phù hiệu hợp đồng lại vào trong khu nội thành đón, trả khách trực tiếp.
"Đây chính là hình thức lách luật, cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải, đặc biệt là vận tải tuyến cố định. Bên cạnh đó ảnh hưởng đến trật tự an ninh, giao thông thành phố.
Đồng thời, làm ảnh hưởng đến ngân sách khi nhà xe thu tiền trực tiếp từ khách đi tuyến cố định thay vì xuất vé và đóng thuế giá trị gia tăng".
Còn theo ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông, "xe dù, bến cóc" khiến doanh thu của bến xe bị giảm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây mất mỹ quan đô thị, đặc biệt là có nguy cơ trốn thuế.
Xe dù bến cóc không chỉ gây ảnh hưởng an ninh trật tự, mà còn có khả năng trốn thuế.
Ông Đạt cho biết, hiện nay tình trạng "xe dù, bến cóc" đang diễn biến phức tạp.
"Những nơi họ thuê để giao nhận hàng hóa là phù hợp quy định của pháp luật. Thế nhưng, những đơn vị này còn tích hợp địa điểm này làm nhiệm vụ đón trả khách là không đúng pháp luật. Còn việc xử lý như thế nào thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nghiêm", ông Đạt nói.
Làm cách nào đưa nhà xe vào đúng bến bãi?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, vấn nạn "xe dù, bến cóc" tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước. Hà Nội và TP.HCM là đầu mối giao thông lớn và các tuyến vận tải, nhu cầu đi lại của hành khách lớn nên tạo “cảm giác” xe dù bến cóc hoạt động nhộn nhịp hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, để giải quyết tình trạng nay, đồng thời đưa các xe vào đúng bến bãi thì cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật, ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, cơ quan Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và phải đảm bảo những cá nhân, đơn vị nào đăng ký kinh doanh thì mới được hoạt động.
Theo ông Quyền, việc kiểm tra, kiểm soát nhằm tránh tình trạng xe chuyển tuyến, xe ghép, xe gia đình hoạt động sai mục đích.
Bến xe Miền Đông mới lác đác mỗi ngày chỉ vài chục xe xuất bến
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, đối với những phương tiện lưu thông tin trên đường thì hiện nay đã có phương tiện, thiết bị để giám sát hoạt động vận tải trên đường như thiết bị giám sát hành trình, camera. Những phương tiện nào kinh doanh vận tải đều bắt buộc gắn thiết bị giám sát hành trình, xe nào không lắp thì đang hoạt động trái phép.
Đối với xe đã lắp thiết bị giám sát hành trình, lực lượng chức năng cần phải nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu để đơn vị kiểm soát bao quát được tình hình hoạt động của phương tiện trên đường, xử lý kịp thời những phương tiện vi phạm.
“Về phía tổ chức công tác kiểm soát hoạt động vận tải của cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hơn nữa, để làm sao hệ thống giám sát, thiết bị dữ liệu ghi nhận được phải xử lý kịp thời”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay.
Những khách hàng đơn lẻ bị nhà xe hô biến thành nhóm hành khách hợp đồng du lịch của nhà xe Huy Hoàng chạy tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu đi TP.HCM.
Đối với việc quy hoạch bến xe, theo ông Quyền đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện "xe dù, bến cóc".
Theo đó, nhiều địa phương chuyển các bến xe từ nội thành ra xa trung tâm thành phố nên dẫn đến việc không thuận lợi trong kết nối giữa nhà xe với nhu cầu đi lại của khách.
“Chặng di chuyển của hành khách bị chia cắt thành 2-3 đoạn. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "xe dù, bến cóc" hình thành, khi nhà xe hẹn khách đến những vị trí để đón cho thuận tiện thay vì vào trong bến xe".
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, hiện tại việc kinh doanh vận tải hành khách đang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Do đó, theo ông Quyền, công tác quản lý cũng phải nghiên cứu trên cơ sở nhu cầu của thị trường để làm sao giải quyết hài hòa giữa yêu cầu quản lý về trật tự an toàn giao thông với những yêu cầu phải đảm bảo sự thuận tiện trong việc đi lại, nhanh chóng, tiết kiệm cho hành khách.
Chủ tịch hiệp hội Vận tải Việt Nam đánh giá rằng quy định của pháp luật đã nêu rõ, xe kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định phải vào bến hoạt động. Còn xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng thì chỉ được đón khách tại nơi hợp đồng (điểm đầu xuất phát ghi trong hợp đồng) hoặc có thêm 1- 2 điểm theo hợp đồng ghi trên hành trình của hành khách.
Bên trong Bến xe Miền Đông mới đìu hiu hành khách.
Chủ tịch hiệp hội Vận tải Việt Nam nhấn mạnh, việc quản lý xe hợp đồng cần phải nghiên cứu có quy định cụ thể hơn và sát thực tiễn hơn.
“Xe hợp đồng phải ghi rõ điểm đón khách đầu tiên, hành trình đi. Hành trình đón khách phải thực hiện trong khuôn khổ theo quy định, tránh việc chạy lòng vòng trong các tuyến phố nội thành dẫn đến ùn tắc giao thông, mất trật tự đô thị”.
Đối thực trạng xe hợp đồng, xe du lịch trá hình thu tiền nhưng không xuất vé cho hành khách, ông Quyền khẳng định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đang vi phạm pháp luật.
“Đã gọi hợp đồng nghĩa là nhóm khách đi chung chuyến xe đó nằm chung trong một hợp đồng và hợp đồng đó là hợp đồng thuê cả chuyến xe. Đặc biệt hợp đồng phải có bên A và bên B, kèm theo danh sách hợp đồng ghi rõ ngày giờ thời gian thực hiện hợp đồng. Đồng thời phải chuyển dữ liệu của hợp đồng, danh sách hành khách cho cơ quan quản lý giao thông là Sở GTVT và Tổng Cục đường bộ Việt Nam. Nhà xe nào không thực hiện là vi phạm”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khi đã giải quyết rõ ràng, triệt để các vấn đề, đồng thời đặt lợi ích của hành khách lên hàng đầu thì chuyện đưa các nhà xe vào đúng bến bãi và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật mới thực hiện được.
Loạt bãi xe lậu ở TP Thủ Đức
Lãnh đạo UBND phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) thừa nhận trên địa bàn tồn tại việc các hãng xe lớn như Kumho, Nam Hải, Tâm Hạnh, Hà Phương (Hạnh Café) hoạt động vận chuyển hành khách gây mất trật tự an toàn giao thông.
Đầu tháng 11/2023 chính quyền địa phương đã báo cáo UBND TP Thủ Đức những nội dung có liên quan hoạt động bến bãi cũng như việc đưa đón khách không đúng quy định của các nhà xe dọc tuyến đường Liên Phường (thuộc Phường Phú Hữu) và khó khăn trong việc xử lý các bến bãi này.
Cụ thể, nhà xe Tâm Hạnh (Chi nhánh Thủ Đức – Công ty TNHH lữ hành Tâm Hạnh) đã thuê 1086,67m2 đất ở đô thị của bà N.T.N.H. làm bãi đỗ xe; Nhà xe KumHo thuê 1181,0m2 đất ở đô thị, của ông H.M.P.; Nhà xe Hà Phương (Hạnh Café) thuê 922,2m2 đất ở đô thị của ông Đ.V.T.; Nhà xe Nam Hải thuê 672,0m đất ở đô thị của bà T.T.H..
Lãnh đạo UBND phường Phú hữu cho biết thêm, các nhà xe trên đã sử dụng đất kinh doanh bến bãi, kho bãi không đúng mục đích, vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn phường Phú Hữu. Do đó, chính quyền địa phương đã báo cáo lên UBND TP Thủ Đức và đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP Thủ Đức.
Dù lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản xử phạt thì vấn nạn xe dù bến cóc tại đây vẫn tồn tại.