Trong nhiều tuần “cắm chốt” quanh khu vực Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM), chúng tôi bất ngờ với thực trạng đang diễn ra tại đây.
Thâm nhập những bến xe lậu được canh chừng cẩn mật ở TP.HCM.
Giữa tháng 11/2023, hoạt động vận tải hành khách tại TP.HCM “nóng” hơn bao giờ hết khi các “ông lớn” trong ngành khẩn trương siết lại hoạt động. Nhưng còn nhiều nhà xe vẫn ngang nhiên tung hoành trong vùng trời riêng, như thể không có bất cứ luật lệ nào tồn tại.
Có mặt tại đường Liên Phường (thuộc phường Phú Hữu, TP Thủ Đức), chúng tôi chứng kiến hoạt động đón trả khách náo nhiệt hơn cả Bến xe Miền Đông mới, dù vị trí này cách bến xe hiện đại bậc nhất Việt Nam không xa.
Trên đoạn đường ngắn, có tới 5-6 bãi đỗ xe luôn tấp nập xe khách và xe trung chuyển ra vào. Các xe này gắn biển tên Kumho Samco, Tâm Hạnh, Hà Phương, Hải Nam. Một số xe còn được dán chữ “Tourist", “Travel”, “Xe du lịch".
Nhìn từ trên cao, các bãi đỗ xe được xây dựng khá kiên cố, nền được đổ bê tông và được rào chắn kỹ càng bằng những mảnh tôn thiếc nối liền. Trong mỗi bãi, có khu vực “nhà điều hành” dùng cho tài xế nghỉ ngơi, giao ca.
Điều đáng nói, các bãi xe này “mọc” san sát, tạo nên “quần thể” bãi đỗ xe quy mô lớn.
Theo một số người dân sống quanh khu vực, sau vụ nhà xe Thành Bưởi bị thu hồi giấy phép kinh doanh vô thời hạn, việc tiếp cận các bãi đỗ xe trên đường Liên Phường khó khăn hơn. Trước bãi đỗ xe luôn có người canh chừng. Khi thấy người xuất hiện quanh khu vực, nhân viên lập tức cảnh giác và hỏi dò đến gần để làm gì?! Muốn vào bãi là điều không dễ dàng.
Ngày 15/11, đợi trước một bãi đỗ xe tầm 3 tiếng đồng, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng loạt xe khách, xe trung chuyển dán nhãn Kumho Samco, Tâm Hạnh, Hà Phương liên tục ra vào.
Khi chiếc xe có chữ “Tâm Hạnh Travel" vừa đến bãi đỗ, cánh cổng đóng vội vàng, khách được nhân viên hướng dẫn xuống xe.
Khoảng 1 tiếng sau, cổng bãi đỗ xe Tâm Hạnh mở ra. Lần này chiếc xe giường nằm đã được lấp đầy khách chạy băng băng ra đường Liên Phường.
Cửa đóng - mở, người ra - vào như một bến xe thực thụ.
Tương tự chuyện xảy ra ở các nhà xe Tâm Hạnh, Hà Phương, việc trả khách tại bãi đỗ xe được cho là của Kumho Samco cũng diễn ra “chuyên nghiệp”, nhanh chóng.
Khi thấy xe chuẩn bị cập bãi, 2 nhân viên hãng xe này lập tức mở cổng, còn tài xế thì vội vàng lùi xe vào bãi đỗ và đóng kín cổng. Khoảng 5 phút sau đó, tầm 10 khách kéo theo đồ đạc lỉnh kỉnh ra ngồi uống nước trước cổng bãi đỗ xe được cho là của Kumho Samco để chờ xe ôm công nghệ đến đón.
Khi hỏi dò xung quanh, chúng tôi bất ngờ khi biết chuyện hành khách đã quá quen thuộc với cách di chuyển này. Đến lúc chúng tôi đặt vấn đề rằng có biết Bến xe Miền Đông mới ở gần đây hay không, một hành khách nói có. Tuy nhiên, họ vẫn chọn đi xe Kumho Samco và chấp nhận chuyện dừng trả khách trên đường Liên Phường vì lý do: “Tôi thấy tiện mà, có sao đâu?".
Sự ồn ào, náo nhiệt của các bãi xe đáng ngờ này trong thực tế trái ngược hoàn toàn với sự hẩm hiu của Bến xe Miền Đông mới, được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, có diện tích hơn 16ha nằm ngay trên địa bàn TP Thủ Đức với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật được xem là hiện đại nhất Việt Nam.
Vào vai khách có nhu cầu đi du lịch trong tuyến TP.HCM - TP Vũng Tàu, chúng tôi đến hỏi mua vé trực tiếp ở bãi xe được cho là của Kumho Samco ở đường Liên Phường nhưng bất thành. Thấy người lạ mặt, nhân viên bãi xe cảnh giác và từ chối. Đồng thời, nhân viên hướng dẫn chúng tôi gọi điện đặt vé xe theo số hotline trên website.
Tiếp cận bất thành, chúng tôi quyết định đổi phương án bằng cách lân la ngồi ở quán nước trước cổng bãi đỗ xe được cho là của các hãng Kumho Samco và Tâm Hạnh.
Quả nhiên, khi nghe chúng tôi nói chuyện điện thoại rằng đang có nhu cầu mua vé số lượng lớn đi TP Vũng Tàu thì một nhân viên mặc áo đồng phục của nhà xe Kumho Samco đã ngỏ ý hướng dẫn cách mua vé.
Người này cho biết, chúng tôi có thể gọi điện đặt vé trước qua tổng đài hoặc mua vé trực tiếp ngay bãi đỗ xe Kumho Samco (số 299 đường Liên Phường) - địa điểm mà chúng tôi vừa bị từ chối lúc đầu.
Sau khi chỉ cho chúng tôi cách mua vé xong người này nhanh chóng quay trở vào bãi đỗ xe. Thêm 1 lần nữa, cánh cổng đóng sập lại.
Khoảng 1 giờ sau, 2 nhân viên nhà xe Kumho Samco xuất hiện tại quán nước và được chủ quán gọi là “sếp”. Lân la hỏi chuyện, cả hai người này giới thiệu rằng làm việc trong bãi đỗ xe Kumho.
Khi biết chúng tôi đang có nhu cầu mua số lượng lớn vé xe đi TP Vũng Tàu du lịch, 2 “sếp” không ngần ngại chia sẻ về lịch trình cũng như giá vé xe: “Chuyến cuối chạy Vũng Tàu là 19h, giá vé là 165.000 đồng/vé/tuyến”. 2 người này cũng cho biết, nhà xe Kumho Samco sẵn sàng đi đón khách và có thể đón khách ở dọc đường.
Theo 2 “sếp”, giá vé niêm yết tuyến TP.HCM - TP Vũng Tàu của xe Kumho Samco tại Bến xe Miền Đông mới là 180.000 đồng/vé/tuyến, nhưng nếu chúng tôi mua vé ngay tại địa chỉ 299 đường Liên Phường thì chỉ còn 165.000 đồng/vé/tuyến.
Như vậy, giá vé đã có sự chênh lệch rõ ràng tại 2 địa điểm bán vé cho cùng một tuyến của nhà xe Kumho Samco?
Chưa dừng lại ở đó, cả “lãnh đạo” lẫn nhân viên ở bãi xe này chẳng ngại ngần thể hiện các “chiêu” né cơ quan chức năng.
Chiều 15/11, khi các hãng xe đang bận rộn đưa đón khách thì Đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra. Dù bị kiểm tra bất ngờ nhưng nhân viên các hãng xe không hề hoảng loạn, trái lại, những người này bình tĩnh xử lý vụ việc một cách trơn tru đến đáng kinh ngạc.
Vừa thấy bóng dáng Đoàn kiểm tra liên ngành, 1 trong 2 người “sếp” ngồi ngoài quán nước cầm điện thoại lên gọi điện, chỉ đạo người trong bãi xe cho khách lên hết “xe buýt”, đồng thời yêu cầu: “Đưa tất cả ra bến mới”.
Trong lúc nói chuyện bằng điện thoại, người “sếp” này vẫn ngồi yên vị tại quán nước chứ không có chút lo lắng nào. Người còn lại cũng chẳng ngồi không mà chỉ đạo chiếc xe đang chuẩn bị cập bãi đỗ nhanh chóng lùi vào “đại bản doanh” và đóng cổng lại.
Được lệnh từ các “sếp”, cổng bãi đỗ xe nhanh chóng đóng lại, một nhân viên vội vàng dùng xe máy chở một khách rời khỏi bãi đỗ xe. Từ chỗ đang hoạt động náo nhiệt, xe chạy ra vào liên tục, bãi đỗ xe thoáng chốc im ắng như tờ.
Sau 30 phút làm việc, Đoàn kiểm tra liên ngành rời khỏi bãi xe Kumho Samco.
Ghi nhận việc kiểm tra này bằng flycam, chúng tôi chứng kiến cảnh các nhà xe khác “đóng cửa cài then”, dùng chiêu án binh bất động dù bên trong vẫn có khách ngồi trên xe.
Tiếp tục theo dõi nhất cử nhất động của các nhà xe, chúng tôi bất ngờ khi thấy cảnh Đoàn kiểm tra liên ngành đi khỏi lại mọi thứ lại “đâu vào đấy”. Các nhà xe tiếp tục mở-đóng cổng theo tín hiệu từ tài xế. Hành khách vẫn cứ khệ nệ xách hành lý rời bãi đỗ xe.
Câu hỏi đặt ra, các nhà xe có được chào bán vé, đón trả khách tại các bãi ở đường Liên Phường hay không? Và tại sao, đã đăng ký xuất bến ở Bến xe Miền Đông mới mà nhân viên các nhà xe còn ngang nhiên chào bán vé không qua Bến xe Miền Đông mới như vậy? Ai quản lý, giám sát những hoạt động này?
Liên quan đến việc bị bến cóc xe dù bao vây, trả lời PV VTC News, đại diện của Bến xe Miền Đông mới khẳng định biết tình trạng này và đã nhiều lần phối hợp cùng cơ quan chức năng mời các nhà xe vào bến hoạt động cho đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thấy động thái gì tích cực.
>>> Kỳ 2: Lật tẩy chiêu thức “lùa” khách về bãi lậu của các nhà xe tại TP.HCM