Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Không dùng nguồn từ cải cách tiền lương để làm cao tốc

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, không dùng nguồn từ cải cách tiền lương để chi làm cao tốc vì “đụng” Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.

Sáng 6/6, tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng, một số địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường vành đai, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, không nên đặt ra vì “đụng” nghị quyết Trung ương về cải cách tiền lương.

Quốc hội yêu cầu không cho dùng vào việc khác và Chính phủ cũng đang rà soát các nguồn đảm bảo cải cách tiền lương, điều chỉnh lương để báo cáo. Theo Chủ tịch Quốc hội, khoản vượt thu ngân sách trung ương 2021 gần 22.000 tỷ đồng được quyết định để cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương khác điều chỉnh lương hàng tháng. Đây không phải khoản chi một lần mà thường xuyên hằng năm.

“Có địa phương nói đủ nguồn nhưng thực chất chỉ đủ cho 1 năm, trong khi phải chi hàng năm. Chúng ta lùi cải cách tiền lương và 3 năm nay cũng chưa có tiền để điều chỉnh tiền lương” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn, Quốc hội nên có giải pháp đặc biệt để sử dụng nguồn vốn linh hoạt từ cả Trung ương và địa phương, bởi “tình huống đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt” và chia dự án theo địa giới hành chính để thực hiện.

Luật Giao thông đường bộ khẳng định, cao tốc và quốc lộ thuộc Bộ GTVT quản lý, còn tỉnh lộ trở xuống do địa phương quản lý. Tuy nhiên, trong thời kỳ có tới 6 dự án quan trọng quốc gia, rồi các công trình khác như Sân bay Long Thành, đường cao tốc phía Đông giai đoạn 1…, sức Bộ GTVT không thể làm được. Ông Huệ cho rằng cần giao lại cho địa phương có dự án đi qua làm cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền.

“Trong tình huống cấp bách, đặc biệt để phục hồi phát triển kinh tế, Vành đai 3, Vành đai 4 hoàn toàn giao cho các địa phương làm cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền trong phần dự án đi qua, đoạn qua địa phương nào thì giao địa phương đó. Đường Vành đai 3 giao cho TP.HCM làm đầu mối, đường Vành đai 4 giao Hà Nội làm đầu mối… Có những dự án nằm trên 2 tỉnh như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu giao cho Bộ GTVT phụ trách”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, đây là những dự án động lực vùng, có kết nối vùng lan toả. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã có văn bản đồng ý về chủ trương, còn hình thức đầu tư thế nào, phân kỳ, huy động vốn ra sao, cơ chế chính sách đặc thù cụ thể là gì, tổ chức triển khai thế nào giao cho Đảng đoàn Quốc hội bàn với Ban cán sự Đảng để thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận tổ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những dự án này cần áp dụng rất nhiều cơ chế đặc thù, khác với luật hiện hành. Theo quy định của Luật Ngân sách, không được lấy ngân sách của cấp này chi cho cấp kia. Đường cao tốc do Trung ương đầu tư, đường song hành của vành đai là trách nhiệm của địa phương, nhưng trong điều kiện khó khăn về ngân sách cần có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương.

Về việc ưu tiên vốn cho các dự án này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, riêng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM phải đặc biệt ưu tiên về vốn, còn đường Vành đai 4 và các dự án còn lại phải giãn thời gian 1 năm. Ba dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) phải cơ bản hoàn thành trong năm 2026, dự án đường Vành đai 4 Hà Nội cơ bản hoàn thành năm 2027.

“Khi có sự đồng thuận để tổ chức thực hiện và hoàn thành dự án, chúng ta có các tuyến đường cao tốc để tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về công tác triển khai đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội phải thực hiện đấu thầu, còn các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) được phép chỉ định thầu.

Các đại biểu nghe báo cáo về 5 dự án trọng điểm quốc gia, sáng 6/6. (Ảnh:Quochoi.vn).

“Đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu. Địa phương phải cam kết với Chính phủ và Chính phủ phải cam kết và chịu trách nhiệm trước Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đối với các nhà thầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phải đánh giá năng lực thi công của nhà thầu, số lượng nhà thầu vì số lượng nhà thầu có hạn.

“Không phải nhà thầu nào cũng làm được đường cao tốc, vì năng lực của họ còn hạn chế. Nếu muốn làm thì phải đầu tư tài sản, vốn, nhân lực. Nhưng nếu họ đầu tư xong chỉ có mỗi công trình này thôi là không ổn. Do vậy, vấn đề này cần được tính toán, lựa chọn kỹ lưỡng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước đó, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Về dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là 2 dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa. Các dự án có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2022.

Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu. Do vậy, việc triển khai 2 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 là hợp lý và cần thiết.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia. (Ảnh: Quochoi.vn).

Cụ thể, việc đầu tư hoàn thành 2 dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp quy hoạch giao thông quốc gia. Các dự án cũng giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, đi qua địa phận TP Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km). Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ có hình thức đầu tư là đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP, được chia thành 7 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM dài 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km). Dự án này được kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, chia thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần GPMB và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới giữa các địa phương. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ vốn Ngân sách Nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương tham gia là 38.741 tỷ đồng.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe.

Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km qua 4 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Dự kiến tổng mức đầu tư các dự án khoảng 84.463 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai 3 dự án, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 24.339 tỷ đồng.

Nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến bố trí từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho 3 dự án khoảng 26.147 tỷ đồng; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải sau khi rà soát, sắp xếp lại khoảng 2.203 tỷ đồng; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 9.620 tỷ đồng; Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 8.358 tỷ đồng.

PHẠM DUY

Tin mới