"Tôi chạnh lòng, tủi thân với giao thông ở miền Nam", bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, chia sẻ trong phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 6/6. Các đại biểu của TP.HCM đều ủng hộ chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu đồng ý với quan điểm của một số đại biểu khác về việc hạ tầng giao thông của các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cần những tuyến đường rộng thênh thang 6 làn xe để tương xứng với tiềm lực.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu.
"Tôi đi thăm dân ở các vùng khó khăn, sạt lở có khi 10 tiếng đồng hồ mới tới Sóc Trăng vì đường ngập nước, có nơi được chạy 80 km/h lại chỉ đi được 30km/h. Đến An Giang đi 12 tiếng là chuyện bình thường vì các con đường tắc nghẽn. Hẹn dân ra mà để dân chờ 3-4 tiếng đồng hồ, chúng tôi tới nơi xin lỗi mà vẫn xót xa.
Lần này Quốc hội bỏ phiếu để đầu tư các tuyến đường, tôi hình dung được gương mặt người dân rất vui mừng nếu chúng tôi đến được đúng giờ, không bị chậm và đi được nhiều nơi, thăm được nhiều người dân hơn", đại biểu Tô Thị Bích Châu nói.
Các đại biểu của TP.HCM cũng chung quan điểm rằng dự án đường Vành đai 3 nếu được thực hiện thì khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được ngay các bài toán về giao thông không chỉ của TP.HCM hay 6 tỉnh Đông Nam Bộ mà có thể tác động tích cực đến 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tuyến đường này giúp cho dòng chảy hàng hóa giữa các tỉnh được thông suốt, giảm chi phí lưu thông, đồng thời trở thành điểm kết nối khu vực, tạo động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phát biểu trong phiên thảo luận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói: "Đến nay là 21 năm chờ đợi rồi, nếu làm quyết liệt đến năm 2026, 2027, tức là nhiệm kỳ Quốc hội khóa tiếp theo mới xong. Nhưng nếu không làm bây giờ thì không bao giờ xong được".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đường Vành đai 3 có ý nghĩa rất lớn trong việc phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân. Mặt khác, về mặt kinh tế, nhu cầu có một con đường như vậy "không chỉ là cần thiết mà lên đến cấp bách".
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km bao gồm: TP.HCM: 47,51km; Đồng Nai: 11,26km; Bình Dương: 10,76km; Long An: 6,81km.
Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2027.