Ốc đảo Siwa là một ốc đảo đô thị ở Ai Cập, nằm giữa vùng lõm Qattara và Biển Cát Lớn, cách thủ đô Cairo 560 km về hướng tây nam. Ở đây, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào trồng trọt hai đặc sản chà là và olive. Các du khách thường đổ về đây để tắm suối nước nóng, ngắm phong cảnh tuyệt đẹp và tham gia các hoạt động sa mạc độc đáo.
Tại ốc đảo Siwa, những hồ nước trong vắt, xanh như pha lê cũng là nơi mà rất nhiều du khách muốn ghé đến. Khi đi ngang qua những hồ nước này, nhiều người sẽ lầm tưởng rằng chúng là những bãi biển do màu xanh biếc tuyệt đẹp của nước trong hồ.
Tuy nhiên, trên thực tế chúng không phải là hồ nước thông thường như bạn nghĩ, mà là những hồ muối với nồng độ muối cao làm tăng lực đẩy Archimedes, cho phép con người nổi bồng bềnh trên mặt nước mà không cần tốn chút sức lực nào.
(Ảnh: @showmeegypt)
Muối vừa là phước lành vừa là lời nguyền ở ốc đảo Siwa, Ai Cập. Nhiều năm trước, mọi người bắt đầu nhận ra có thể kiếm tiền từ việc buôn bán muối. Các hoạt động khai thác muối đã tạo ra các hồ muối nổi tiếng của ốc đảo Siwa ngày nay.
Những hồ muối tuyệt đẹp được tìm thấy ở ốc đảo Siwa trông cực kỳ hấp dẫn, nhưng du khách muốn tắm trong đó nên đặc biệt lưu ý để không làm trầy xước mình trên các tinh thể muối sắc nhọn tạo nên đáy và các cạnh của những hồ bơi này.
(Ảnh: Austin Divine)
Khi bơi ở đây, bạn nên mang dép nhựa, bởi vì những hạt muối có khả năng sẽ làm hỏng giày. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên dành hơn 25 phút ở một trong những hồ muối tại ốc đảo này.
(Ảnh: thedaydreamdrifters)
(Ảnh: Austin Divine)
(Ảnh:@brendonohue)
Mặc dù các bức ảnh trên mạng xã hội về các hồ muối đã thực sự đưa ốc đảo Siwa lên bản đồ du lịch, nhưng văn hóa độc đáo và lịch sử nơi đây cũng rất đáng để chiêm nghiệm.
(Ảnh: Austin Divine)
Nằm trong vùng trũng Qattara kéo dài về phía tây bắc của Ai Cập, ốc đảo Siwa từng là quê hương của Amun, Vua của các vị thần, “người” mà Alexander Đại đế đã đến thăm trong chiến dịch chinh phục đế chế Ba Tư. Ngoài các hồ muối, du khách còn có thể ghé thăm khu tàn tích của ngôi đền tiên tri ở nơi đây.