Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiều nay, Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 12/11, Quốc hội dành cả ngày làm việc ở hội trường tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan mang đến nghị trường một số sản phẩm thuốc lá mới để minh họa khi trả lời chất vấn vào chiều 11/11. (Ảnh: quochoi.vn)

Quốc hội dành 55 phút đầu giờ làm việc buổi sáng tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Y tế với trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông được Quốc hội chất vấn từ 9h05. 

Sau phiên đăng đàn của 3 thành viên Chính phủ gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, từ 15h10, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực Ngân hàng vào sáng 11/11. (Ảnh: quochoi.vn)

Trước đó, tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực Ngân hàng có 43 đại biểu Quốc hội chất vấn, 1 đại biểu Quốc hội tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn; câu hỏi của các đại biểu Quốc hội bám sát nội dung chất vấn, cụ thể, rõ ràng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có sự chuẩn bị tốt về nội dung, nắm chắc vấn đề, có sự bao quát các chính sách vĩ mô khác, trả lời thẳng vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra. 

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.

Một là, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, chủ động, linh hoạt, bảo đảm thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Hai là, triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu biện pháp khuyến khích người dân bán vàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Ba là, sớm có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ổn định sản xuất, kinh doanh sau bão, lũ, sạt lở đất; thúc đẩy tín dụng xanh. Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai thuận lợi các chương trình tín dụng ưu đãi.

"Trong năm 2025, tiến hành tổng kết Nghị định số 24/2012 ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Anh Văn

Tin mới