7h tối 28/9 Ngô Quý Đăng (Hà Nội) nín thở ngồi chờ ban tổ chức kỳ thi Olympic Toán học 2020 công bố kết quả. Em chưa bao giờ nghĩ sẽ là thí sinh có điểm thi cao nhất trong 6 bạn cùng đội tuyển. Đăng cũng là thí sinh có điểm số cao thứ 4 (36/42 điểm) trong số 616 thí sinh đến từ các quốc gia tham dự giải năm nay.
"Khoảnh khắc đó chân tay em run lẩy bẩy, luống cuống. Kết quả khi đó như một giấc mơ. Sau đó em hét thật to và nhảy lên trong sự sung sướng", Đăng nhớ lại.
Đội tuyển Olympic Toán năm nay, Đăng là thí sinh nhỏ tuổi nhất, nhưng em bước vào kỳ thi với tâm thế thoải mái, thi để chứng minh tài trí Việt với bạn bè quốc tế, không đi thi để cạnh tranh huy chương.
Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Kỳ thi diễn ra trong hai ngày. Ngày thi đầu tiên diễn ra suôn sẻ, em làm được trọn vẹn ba bài. Đặc biệt là bài thi hình học, đây vốn không phải là thế mạnh, nhưng rất may đây lại là câu hỏi được đánh giá dễ nhất, giúp em giành điểm tuyệt đối ở bài thi đầu.
Đến ngày thi thứ hai, vẫn trong thời gian 4,5 tiếng, Đăng gặp khó khăn khi phải thực hiện 6 bài với độ khó tăng lên. Em chỉ giải được trọn vẹn 5 bài đầu, riêng bài thứ 6 em mất hơn một tiếng nhưng vẫn không thể làm được.
Trong phút "cân não" ấy, Đăng quyết định từ bỏ câu hỏi khó nhất, dành thời gian quay lại kiểm tra kỹ các bài để chắc chắn không mất thêm điểm. Nhờ vậy, Đăng giành điểm tuyệt đối 5 bài đầu và được 1/7 điểm bài cuối.
Đăng cho rằng bản thân gặp may mắn khi các câu hỏi khó đều nằm trong phần đại số. "Nếu đề thi có nhiều câu hỏi hình học khó, huy chương vàng và vị trí điểm cao nhất chắc chắn không thuộc về em. Anh Trương Tuấn Nghĩa xứng đáng hơn em rất nhiều", Đăng nói.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi Olympic Toán năm nay, Đăng luôn phải chạy đua với thời gian và kiến thức. Ngoài những giờ học trên lớp, em tự học trong sách vở, trên mạng, tự mình đi tìm lời giải.
Chưa khi nào Đăng thấy mệt mỏi, em lấy những con số làm niềm vui. Nói đúng hơn là những con số dẫn dắt em đi qua nhiều ngóc ngách để đến được lời giải làm thoả mãn trí tò mò của em.
Tháng cuối cùng trước khi diễn ra kỳ thi, Đăng và các thành viên đội tuyển bước vào giai đoạn nước rút. Khối lượng kiến thức dồn dập khiến thời gian học của em ngày càng căng thẳng.
Em thường xuyên phải học quá 12 giờ đêm, thậm chí có những ngày học tới gần 3h sáng. Động lực lớn nhất lúc đó của em chứng minh với mọi người dù nhỏ tuổi nhất nhưng năng lực không hề thua kém các anh chị.
Ngô Quý Đăng trước khi bước vào bài thi môn Toán. (Ảnh: N.H)
Ngoài tấm huy chương vàng Toán quốc tế, Đăng được bạn bè đặt biệt danh "vua giải thưởng". Trong 4 năm học THCS tại trường Archimedes Academy, Đăng từng giành huy chương bạc giải Toán học trẻ quốc tế (IMC) năm 2015; Vô địch kỳ thi Olympic châu Á Thái Bình Dương 2016 (APMOPS); giải Vàng cuộc thi Toán và Khoa học quốc tế 2016; giải Vàng kỳ thi Toán SASMO 2017; Vô địch cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo IKMC năm 2017 và 2018; Vô địch bảng quốc tế cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng HOMC năm 2018.
Sở hữu "cơn mưa" giải thưởng nhưng ít ai biết hồi nhỏ bố mẹ Đăng từng lo lắng khi 2 tuổi cậu vẫn chưa có biểu hiện biết nói. Bố mẹ vất vả đưa em đi khám nhiều bác sĩ vì sợ con trai chậm phát triển.
Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, Đăng đã biết làm Toán. Khi ấy em có sở thích cộng nhiều số to với nhau.
Lên cấp hai, Đăng vào học trường Archimedes. Em luôn có khao khát một ngày nào đó được đứng trong đội tuyển quốc gia, được thử sức với những bài toán khó nhất.
Bằng sự quyết tâm và nhiệt huyết, em vượt qua kỳ thi lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội) với 25 điểm (môn Toán thường 8 điểm cộng điểm môn Toán chuyên 8,5 điểm nhân hệ số 2). Trước đó em nằm trong diện thí sinh được tuyển thẳng vì đạt giải Nhất học sinh giỏi môn Toán cấp thành phố Hà Nội.
Là người nhỏ tuổi nhất đội tuyển, Đăng coi đó là lợi thế vì bản thân còn nhiều thời gian để tích lũy và hoàn thiện kiến thức, kỹ năng thi đấu cho các năm tiếp theo. Cậu tin kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2021 bản thân sẽ đạt được kết quả tốt hơn và giành tấm huy chương vàng thứ hai.
Chia sẻ về ước, chàng trai vàng Olympic Toán học cho biết đang phân vân giữa việc làm nghiên cứu Toán học hoặc đi dạy truyền đam mê cho thế hệ sau. "Em nghĩ nếu làm được cả hai thì rất tốt", Đăng nói.