Chiều 10/12, TAND Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Được triệu tập đến phòng xử, đại diện CDC Hà Nội đưa ra quan điểm xin giảm nhẹ hình phạt cho 6 bị cáo là các cựu lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm.
Theo đại diện CDC, về dân sự, với số tiền mà CDC bỏ ra cho gói thầu số 15 so với số tiền mà Cơ quan thẩm định giá xác định thì ra con số vênh, và số tiền vênh ra thuộc ngân sách nhà nước, CDC sẽ trả lại vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị xét xử, CDC có công văn trình bày về các thành tích, công sức đóng góp của bị cáo nguyên là bộ CDC trong công tác phòng chống dịch và phía CDC cũng có ý kiến xin giảm nhẹ cho các bị cáo.
Tại phiên tòa, CDC giữ nguyên ý kiến trên; với những bị cáo khác, CDC mong Tòa xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội trước toà
Theo phân tích từ phía đại diện CDC Hà Nội, CDC là cơ quan chuyên môn. Những năm trước, cơ quan cấp trên (Sở Y tế Hà Nội) trực tiếp quản lý việc mua bán, đấu thầu. Tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19, Sở Y tế giao nhiệm vụ cho CDC Hà Nội trực tiếp thực hiện. Do yêu cầu rất cấp bách của việc phòng, chống dịch COVID-19 nên việc tham gia gói thầu số 15 có sự sai phạm.
"Đơn vị chỉ là cơ quan chuyên môn về phòng chống dịch bệnh, không có kinh nghiệm mua sắm. Ngoài ra, các thiết bị để phục vụ việc phòng chống dịch COVID-19 rất đặc biệt, không phổ thông nên giá cả đơn vị được báo đều phụ thuộc hoàn toàn vào công ty cung cấp", đại diện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội nói.
Trong phiên tòa, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) được xác định là chủ mưu, cùng với Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Phương Đông), Nguyễn Ngọc Nhất (Nhân viên Công ty ViTech), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) và 6 người khác bị cáo buộc nâng khống giá mua máy xét nghiệm Sars-CoV-2, gây thiệt hại 5 tỷ đồng cho Nhà nước.
Trong phần xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Chử Phương Ngọc yêu cầu bị cáo Tuyền kể lại nội dung buổi gặp gỡ giữa bị cáo với ông Cảm và Nhất. Trả lời HĐXX, Tuyền cho biết gặp 2 bị cáo trên chỉ để tăng sự tin tưởng đối với cựu Giám đốc CDC Hà Nội.
"Bị cáo Nhất gọi cho bị cáo, bảo đến gặp ông Cảm cùng để giới thiệu các sản phẩm của công ty đều là hàng nhập khẩu", Tuyền khai. Theo bị cáo, tại buổi gặp, các bên không bàn về giá cả do Công ty Phương Đông đã gửi bản báo giá trước đó cho CDC Hà Nội.
Các bị cáo trong vụ án.
"Mức giá bị cáo gửi cho CDC Hà Nội về hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động là 6,5 tỷ, bảo hành trong 2 năm và 7 tỷ đồng cho 3 năm bảo hành", nhân viên Công ty Phương Đông nói.
Chủ tọa phiên tòa nêu lại lời khai của Tuyền với cơ quan điều tra và nhận được sự xác nhận của bị cáo. Theo lời khai của Tuyền, bị cáo Nhất từng hẹn riêng anh ta để bàn về bộ thiết bị PCR. "Nhất đề nghị công ty bán thiết bị với giá 4 tỷ nhưng báo với ông Cảm là 7 tỷ đồng. Tôi đồng ý và bảo sẽ về thương lượng với công ty. Để đảm đảo trúng thầu, Nhất sẽ trích cho ông Cảm 15% giá sản phẩm. Số tiền chênh lệch còn lại sau khi trừ hết mọi chi phí, tôi và Nhất sẽ chia 50-50", Tuyền khai tại cơ quan điều tra.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo khai chưa nhận được tiền chênh lệch và cũng cho biết thời điểm đó cũng không có nhu cầu lấy tiền. Trả lời về lý do lại không bán thiết bị cho CDC Hà Nội vào phút chót, bị cáo Tuyền cho biết do hai bên không thống nhất được về cách vận hành.
Trong cáo buộc, hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR tự động được Công ty Phương Đông bán cho bị cáo Nhất với giá hơn 3,7 tỷ đồng. Sau đó, Nhất bàn với bị cáo Vinh sẽ đại diện cho Công ty MST tham gia thầu bán cho CDC Hà Nội. Nếu thực hiện thành công, Vinh sẽ nhận hoa hồng 1,5 % giá trị hợp đồng.
Qua điều tra, VKSND Hà Nội phát hiện các bị cáo đã mua bán lòng vòng, qua nhiều công ty để nâng mức giá các thiết bị trước khi cung cấp cho CDC Hà Nội.
Cụ thể, sau khi Vinh đồng ý hợp tác với Nhất, Công ty Phương Đông xuất hóa đơn bán 2 máy xét nghiệm PCR cho Công ty Hưng Long do vợ của Vinh làm giám đốc, với giá 4,1 tỷ. Công ty Hưng Long tiếp tục bán các thiết bị này cho một công ty khác giá 5,2 tỷ. Sau đó, Công ty MST lại mua 2 máy xét nghiệm trên và trả cho Công ty Hưng Long 7,8 tỷ. Cuối cùng, bị cáo Đào Thế Vinh bán cho CDC Hà Nội giá 8,2 tỷ đồng.
Như vậy, bị cáo Vinh đã nâng giá 2 máy xét nghiệm PCR từ 4,1 tỷ đồng thành 8,2 tỷ.
Đến 17h39, Chủ tọa Chử Phương Ngọc tuyên bố tạm dừng xét xử. Sáng mai (11/12), phiên tòa sẽ tiếp tục trong phần tranh luận.