Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Cao thủ võ Hồng Kông' đóng phim với Lý Tiểu Long đại bại ở Sài Gòn sau 15 giây

Trong số các võ sĩ Hồng Kông từng sang Sài Gòn tỉ thí có nhiều cái tên tham gia đóng phim cùng Lý Tiểu Long.

Như chúng tôi đã đề cập thì vào cuối tháng 12/1974, Tổng cuộc Quyền thuật VNCH từng tổ chức một kỳ võ đài giao lưu giữa đoàn võ sĩ tên tuổi của Hồng Kông với các võ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Kỳ võ đài này diễn ra tại sân Tinh Võ, nay là Trung tâm TDTT Tinh Võ, số 756 đường Nguyễn Trái, Q5, TP.HCM.

Nhiều võ sĩ Hồng Kông sang Việt Nam thi đấu năm 1974 có đóng chung phim với Lý Tiểu Long.

Mới đây, một số võ sư tại Tiền Giang, Đồng Nai và TP.HCM đã cung cấp thêm cho chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc một số thông tin thú vị về kỳ võ đài vang danh này.

Theo khẳng định của HLV võ cổ truyền Đinh Trinh Chương ở Đồng Nai, một môn đồ phái Thiếu Lâm Bắc Phái thì tại kỳ võ đài đấu với đoàn võ sĩ Hồng Kông, chính sư phụ của anh là võ sư Xuân Thịnh là người tạo nên chiến thắng chóng vánh nhất khi hạ đo ván một đối thủ chỉ sau đúng 15 giây.

"Thầy Xuân Thịnh từng là nhà vô địch quyền tự do tại Sài Gòn trước năm 1975 và là một trong những võ sĩ của Việt Nam từng tham dự kỳ võ đài năm 1974 với các võ sĩ của Hồng Kông.

Chính ở kỳ võ đài năm đó, thầy tôi (võ sư Xuân Thịnh) đã hạ đo ván võ sĩ Ngũ Chí Cường của Hồng Kông bằng cú bàng long cước rất nhanh, mạnh và chuẩn xác khi hiệp 1 mới trôi được 15 giây.

Tại nhà của thầy Xuân Thịnh ở Biên Hòa, Đồng Nai vẫn còn lưu lại tấm HCV và những hình ảnh liên quan tới giải đấu năm đó. Tiếc rằng hiện tại thầy Xuân Thịnh lại đang định cư tại Mỹ.

Thầy Xuân Thịnh cùng Xuân Liễu, Xuân Thu và Xuân Thanh đều là học trò của võ sư Xuân Bình phái Thiếu Lâm Bắc Phái. Việc thầy tôi từng hạ võ sĩ Hồng Kông là hoàn toàn chính xác và điều đó đã được nhiều võ sư lớn tuổi ở miền Nam công nhận" - võ sư Đinh Trinh Chương khẳng định.

Một số hình ảnh còn lưu lại về kỳ võ đài đấu các võ sĩ Hồng Kông từ năm 1974.

Tại Tiền Giang, võ sư Võ Ngọc Thi ở Võ đường Tinh Anh - môn phái Võ Lâm Đạo Việt Nam lại cung cấp cho chúng tôi một số tư liệu khá thú vị khác liên quan tới kỳ võ đài năm 1974. Theo đó, trong đoàn Hồng Kông có nhiều võ sĩ nổi tiếng đương thời như Tiểu Lâm Giác, Ngũ Chí Cường, Lý Mãn Lâm,Tào Bán Pháp, Lý Diệu Quang và Châu Đức Thắng. 

Đặc biệt, những gương mặt này chính là những võ sĩ đã góp mặt cùng cố tài tử Lý Tiểu Long trong hai bộ phim Tinh Võ Môn và Mãnh Long Quá Giang. Đây cũng là chi tiết được ban tổ chức kỳ võ đài giới thiệu trước khi giải đấu bắt đầu.

Thông qua việc nhóm võ sĩ Hồng Kông từng góp mặt trong hai bộ phim cực kỳ nổi tiếng của huyền thoại Lý Tiểu Long đã chứng tỏ rằng đây đều là những tay đấm tên tuổi, có đẳng cấp ở Hồng Kông chứ không phải là những võ sĩ "hạng xoàng".

Theo khẳng định của võ sư Võ Ngọc Thi, người sư thúc của ông là võ sư Trần Bình Long ở võ đường Gò Công (người từng vô địch quyền tự do ở Sài Gòn trước năm 1975) và một võ sư rất nổi tiếng khác là Trần Mạnh Hiền cũng tham dự kỳ võ đài năm 1974 và đều đánh bại các võ sĩ của Hồng Kông. Trong đó, bại tướng của võ sư Trần Bình Long chính là Lý Diệu Quang, người được cho là một môn đồ của Lý Tiểu Long.

Võ sư Võ Ngọc Thi (trái) và bên phải (đai trắng) chính là võ sư Trần Bình Long - người từng tham dự kỳ võ đài năm 1974.

Theo một số tài liệu mà võ sư Võ Ngọc Thi còn lưu lại thì kỳ võ đài năm 1974 được Tổng cuộc Quyền thuật VNCH đặt tên là "Đại hội võ đài quốc tế Hồng Kông - Việt Nam". Giá vé để theo dõi trực tiếp sự kiện này cũng là rất cao vào thời điểm đó. Giá vé được phân theo các hạng từ 600-3000 đồng (loại tiền được lưu hành ở Sài Gòn từ nhiều năm trước).

Một số tư liệu về kỳ võ đài năm 1974.

Đề cập về giá vé "cắt cổ" ở sự kiện này, võ sư Hồ Tường - Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà cho biết: "Quả thực, giá vé tham dự kỳ võ đài năm đó là rất đắt bởi tiền Sài Gòn ngày xưa có giá trị lắm. Tôi nhớ chỉ khoảng 450 đồng là mua được một chỉ vàng, và 4500 đồng mua được 1 lượng vàng. Cũng một phần vì giá vé nên lượng khán giả theo dõi kỳ võ đài này phần lớn là những người Hoa sống ở Sài Gòn".

Võ sư Hồ Tường cũng tỏ ra khá bức xúc trước việc có một số ý kiến cho rằng ông "nói xạo" về kỳ võ đài gặp đoàn Hồng Kông năm 1974: "Nói có sách, mách có chứng. Một số ý kiến cho rằng tôi nói xạo. Nhưng tôi già rồi. Nói xạo có lợi ích gì cho tôi.

Sở dĩ tôi muốn kể lại về kỳ võ đài năm xưa là để các bạn trẻ thấy rằng Võ Việt Nam của chúng ta cũng không phải vừa. Nhất là nếu Võ Việt Nam không có thực lực thì làm sao chúng ta có thể thoát khỏi hàng ngàn năm Bắc thuộc?".

Nguồn: Soha

Tin mới