Ngày 21/11 Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phát đi công điện về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, không khí lạnh, gió mạnh trên biển. Theo nội dung công điện, dự báo khoảng ngày 25/11 ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh mạnh di chuyển xuống phía Nam nước ta, ảnh hưởng đến Thừa Thiên - Huế, trời chuyển lạnh.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với đới gió Đông trên cao nên từ ngày 24/11 đến ngày 27/11 trên đất liền Thừa Thiên - Huế có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Riêng vùng Phú Lộc, Nam Đông lượng mưa cao hơn, có khả năng đạt 300-500mm, có nơi trên 800mm; gây ngập lụt diện rộng cho khu vực đồng bằng, các khu vực trũng thấp.
Dự báo từ 24/11 - 27/11 Thừa Thiên - Huế có mưa rất lớn, nguy cơ gây ngập lụt diện rộng cho khu vực đồng bằng, các khu vực trũng thấp
Trước diễn biến của đợt mưa này, để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng; Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế; Chi cục Thuỷ sản và Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch). Tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn trước ngày 25/11 (bao gồm cả thuyền bãi ngang ven biển).
Đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã và TP Huế theo dõi sát diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời đến chính quyền và nhân dân; chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh. Đưa tin về mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến toàn thể cán bộ, nhân dân để chủ động ứng phó; thông tin đến người dân ở các khu vực trũng thấp, các khu chợ, cơ sở kinh doanh để chủ động phòng tránh.
Cách đây chưa đầy 10 ngày Thừa Thiên - Huế hứng chịu trận lụt được đánh giá là lớn nhất trong 10 năm qua khiến 85% tuyến đường của 36 phường, xã của TP Huế bị ngập nước
Rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước những người dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…).
Các chủ đập chủ động vận hành đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ theo quy trình được phê duyệt trước 19h ngày 24/11 (Mực nước hồ Tả Trạch:+38m, hồ Bình Điền:+81,6m; hồ Hương Điền:+56,5m), đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt, giảm đỉnh lũ vùng hạ du.
Đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán dân cư và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Cách đây chưa đầy 10 ngày (từ đêm 14/11 đến sáng 16/11) lượng mưa cực lớn khiến nước các sông lên nhanh gây ra một trật lụt lịch sử ở Thừa Thiên - Huế và được đánh giá là lớn nhất trong 10 năm qua, vượt mốc lũ năm 2020 (năm xảy ra sự cố sạt lở thuỷ điện Rào Trăng) và chỉ kém mức lũ thảm hoạ năm 1999.
Thời điểm cao điểm, nhiều khu vực, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc bị ngập sâu và tại TP Huế có 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập nước.