Chiều 16/11, theo ghi nhận của PV VTC News, nhiều tuyến đường ở TP Huế nước cơ bản rút hết, người dân có thể đi lại bình thường. Đây cũng là thời điểm người dân xếp hàng đợi sửa xe chết máy do ngập nước.
Những người thợ sửa xe làm việc xuyên trưa, nhưng vẫn không kịp trả xe cho khách do lượng xe bị hỏng quá nhiều.
Chủ một cửa hàng sửa xe ở TP Huế cho biết, từ đêm 14/11, nước lũ lên quá nhanh khiến nhiều gia đình không kịp mang xe đến chỗ cao nên bị ngâm trong nước gây hư hỏng. Một số trường hợp cố gắng chạy qua khu vực bị ngập sâu cũng khiến xe hỏng hóc.
Đến trưa và chiều 16/11, khi nước bắt đầu rút, các cửa hàng sửa xe mới mở cửa trở lại. Do lượng xe hư hỏng nhiều mà cửa hàng sửa xe mở cửa lại ít nên gây ra tình trạng quá tải.
Hàng dài xe máy chờ sửa tại cửa hàng sửa chữa xe máy ở đường An Dương Vương (TP Huế).
Nhiều tiệm sửa xe máy trên đường Hùng Vương, Hồ Đắc Di, An Dương Vương, Trần Phú... đều quá tải khi lượt người dắt xe đến liên tục.
Hầu hết các xe đến sửa đều do bị ngập nước cần mở ra kiểm tra hỏng hóc, sửa máy móc, nhiều xe phải sửa mất cả buổi chiều hoặc phải chờ sang ngày khác. Các xe đều chung tình trạng là chết máy, nước vào động cơ, ống xả hoặc cháy bugi...
Hầu hết các cửa hàng sửa chữa xe máy (kể cả những tiệm sửa chữa lưu động) ở TP Huế đều quá tải trong ngày 16/11.
Trả lời PV VTC News khi đang miệt mài sửa xe, anh Dương - chủ cửa hàng xe máy tại đường An Dương Vương - chia sẻ: “Chúng tôi sáng giờ chưa được nghỉ ngơi. Trưa mới ăn nhanh hộp cơm xong quay lại công việc ngay do mọi người đứng đợi nhiều quá. Dù mệt nhưng cũng cố gắng làm nhanh tranh thủ thời tiết vừa ngớt mưa để mọi người còn có xe đi lại. Biết là khách đông nhưng chúng tôi không vì thế mà ép giá".
Theo tìm hiểu, mỗi xe máy mang đến sửa tuỳ vào tình trạng hỏng hóc mà mất chi phí dao động từ 30 - 100 nghìn đồng. Có những xe phải thay nhớt thì mức giá khoảng 150 - 200 nghìn đồng.
Chị Phan Thị Thu Hiền (trú tại kiệt 85 An Dương Vương, phường An Đông) phải đứng đợi hơn 2 tiếng vẫn chưa tới lượt. “Những năm trước khi lụt tôi để xe trong nhà không ảnh hưởng, năm nay tôi cũng để vậy nhưng không ngờ nước lụt lên cao hơn dự tính, xe bị ngập sâu chết máy”, chị Hiền chia sẻ.
Một số cửa hàng sửa xe máy ở TP Huế phải từ chối nhận thêm khách do lượng xe chờ sửa còn quá nhiều.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Thừa Thiên - Huế, hiện nay nước lũ đang rút nhưng theo dự báo từ chiều nay đến ngày 18/11, địa phương tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30 - 80 mm, có nơi trên 120 mm.
Nhiều khu vực nguy cơ tái ngập nên người chưa nên hạ đồ đạc xuống nơi thấp, đồng thời nên có phương án đưa xe lên khu vực cao để tránh những tổn thất, thiệt hại.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế, tính đến 10 ngày 16/11, khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã của TP Huế bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan...) ngập bình quân 0,8 - 1,2 m.
Các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh,...) ngập bình quân 0,5 - 1 m.
Đến tối 16/11, hầu hết các tuyến đường ở trung tâm TP Huế nước cơ bản rút hết. Tuy nhiên theo dự báo, từ đêm nay mưa lớn sẽ quay trở lại.
Ngoài ra, rất nhiều khu dân cư và các tuyến đường trọng yếu ở các huyện, thị xã của Thừa Thiên - Huế như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, Hương Trà... cũng ngập sâu.
Do tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn gần ga Văn Xá (Hương Trà) và ga Phò Trạch (Phong Điền) bị ngập khoảng 0,3 - 0,5 m, làm các chuyến tàu SE2, SE4 và SE6 (cùng chạy hướng Nam - Bắc) phải dừng lại ở Ga Huế.
Toàn bộ 494 hành khách đi tàu được bố trí ăn uống trên tàu, tạm thời sinh hoạt tại Ga Huế. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế có phương án bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, tuyên truyền phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.