Mấy ngày qua, các vụ quay lén bằng camera giấu kín liên tục bị phát hiện khiến dư luận bức xúc, vừa phẫn nộ vừa lo lắng. Mọi người chưa hết bàng hoàng về chuyện một người mẫu nổi tiếng phát hiện camera ngụy trang sau tấm khăn trong phòng thay đồ thì lại tiếp tục hốt hoảng với sự việc nữ sinh 20 tuổi tìm thấy camera quay lén trong nhà tắm tại căn nhà thuê trọ ở Hà Đông, Hà Nội, nơi cô sinh sống đã 3 năm.
Tôi chắc rằng hàng triệu người khác cũng cảm thấy ớn lạnh như mình khi nghĩ tới thực tế rằng chuyện tương tự đang xảy ra nhan nhản ở ngoài kia. Tình trạng quay lén từ bao lâu nay vẫn là vấn nạn nhức nhối trên khắp thế giới và ai cũng biết nó tồn tại cả ở Việt Nam, những vụ việc cụ thể được phát hiện chỉ là hồi chuông gióng lên nhắc nhở mọi người thêm cảnh giác.
Điều khiến tôi thêm sợ hãi là hành vi đốn mạt quay lén những hình ảnh riêng tư của phụ nữ sẽ ngày càng lây lan như bệnh dịch, vì mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Chủ nhà trọ ở Hà Đông quay lén nữ sinh kể trên chỉ bị phạt hành chính 12,5 triệu đồng, bằng tiền mua vài cái camera.
Cái giá mà bọn biến thái đáng ghê tởm này phải trả quá nhỏ bé so với thiệt hại của nạn nhân, những người có thể bị trầm cảm, luôn lo âu sợ hãi vì biết hình ảnh nhạy cảm của mình vẫn đang tồn tại ở đâu đó. Trường hợp xấu nhất, những đoạn clip quay lén bị phát tán, nó sẽ thành nỗi ám ảnh cả đời.
Những vụ quay lén bị phát hiện làm sôi sục thế giới mạng, nhưng vòng đời những chuyện "gây sốt" sẽ qua nhanh thôi. Trí nhớ của cộng đồng mạng cơ bản là không có chỗ để chứa mấy chuyện thị phi quá lâu. Điều oái oăm trong những vụ xâm hại về nhân phẩm phụ nữ này là kẻ biến thái sẽ bị quên lãng, nhất là khi không ai biết tên tuổi cụ thể của chúng, nhưng người ta luôn nhớ đến nạn nhân và nhắc đi nhắc lại mãi về sau.
Nếu nạn nhân là người nổi tiếng, công chúng sẽ luôn nhớ họ từng bị quay lén hoặc bị tung clip nhạy cảm lên mạng; còn nếu họ không nổi tiếng thì nhiều năm sau, người quen có thể vẫn sẽ rỉ tai nhau về sự cố mà họ muốn quên nhất này.
Một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn tệ nạn quay lén là công khai danh tính thủ phạm. (Ảnh minh họa: Unsplash)
Sự bất công đến nghiệt ngã đó sẽ vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng tệ hơn nếu như người sợ hãi nhất là nạn nhân chứ không phải kẻ quay lén. Chúng đặt camera ẩn xâm phạm sự riêng tư của nạn nhân không chỉ để thỏa mãn thú vui bệnh hoạn mà có kẻ còn kiếm tiền bằng cách bán hình ảnh nhạy cảm cho bọn tội phạm. Vì thế, rất có thể chúng sẽ tái phạm, những tên biến thái mới sẽ xuất hiện, trừ khi cái giá phải trả đủ gây chùn tay, công chúng biết mặt, biết tên để nhớ, để nhắc.
Một trong những cách hiệu quả nhất để xóa bỏ tệ nạn quay lén là công khai tên tuổi, địa chỉ của thủ phạm.
Trong những vụ việc vừa xảy ra, công chúng nêu 2 câu hỏi nổi cộm: Mức phạt hành chính như trên có đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi sai trái? Việc giữ thông tin cá nhân thủ phạm có quan trọng hơn việc tôn trọng quyền được biết của công chúng và đặc biệt là quyền được bảo vệ an toàn của nạn nhân?
Khi bị công khai danh tính, kẻ đặt camera giấu kín phải chịu đựng những điều gì? Bị "bêu" trên mạng xã hội với những bình luận gay gắt, thậm chí khắc nghiệt, bị cộng đồng quay lưng, luôn cảnh giác, đề phòng, bị từ chối nhận vào làm việc trong những ngành nghề nhạy cảm, tiếp xúc nhiều với phái nữ...
Cái giá này rất đắt, nhưng cần thiết. Những kẻ đó xứng đáng bị như vậy. Và quan trọng hơn, phải như vậy thì những người khác mới được an toàn. Lợi ích cộng đồng phải được đặt cao hơn lợi ích cá nhân của kẻ xâm phạm sự riêng tư và làm tổn thương danh dự, nhân phẩm người khác.
Nếu thông tin nhân thân của kẻ quay lén chỉ được nêu bằng những chữ cái viết tắt, trong thế giới tràn ngập camera như hiện nay, phụ nữ làm sao dám yên tâm bước ra khỏi nhà khi biết những tên biến thái đang nhan nhản và "vô hình" ở ngoài kia?
Tôi rất mừng khi đọc một bài báo dẫn lời luật sư cho biết kẻ quay lén hình ảnh nhạy cảm của phụ nữ có thể bị truy tố hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành các tội làm nhục người khác, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử..., tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể. Tuy nhiên, để xóa bỏ nạn quay lén, việc công khai danh tính kẻ vi phạm vẫn rất cần thiết.
Năm 2020, Hàn Quốc ban hành luật chống bạo lực tình dục sửa đổi, tăng hình phạt với hành vi quay phim các cá nhân mà không có sự đồng ý nhằm mục đích thỏa mãn tình dục, mức phạt tối đa là 7 năm tù, tiền phạt lên tới 50 triệu won (gần 920 triệu đồng). Vậy mà cho đến nay, các vụ quay lén vẫn cứ diễn ra ở nước này, điển hình là trường hợp nữ diễn viên Kim Hwan Hee tìm thấy camera ẩn trong phòng thay đồ vào tháng 4 vừa qua.
Nếu như những hình phạt chưa đủ gây khiếp sợ, chúng ta cần tăng cái giá phải trả cho những kẻ quay lén, đó là nỗi nhục nhã khi phải đối mặt với sự dè bỉu và quay lưng của cộng đồng. Trong trường hợp những kẻ đó không tự trọng và chẳng màng đến danh dự, việc công khai danh tính chúng sẽ giúp mọi người biết để mà tránh.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.