Tại Hoa Kỳ, từ năm 1980 đến năm 2020, các ca béo phì ở trẻ đã tăng gấp đôi từ 7% lên gần 18%.
Còn tại Việt Nam, theo kết quả từ Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.
Theo trang tin News Medical, sau đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ:
Tiêu thụ các loại thực phẩm chứa quá nhiều chất béo hoặc đồ ăn nhanh
Không ăn trái cây và rau quả
Lười vận động và dành quá nhiều thời gian cho TV hay điện thoại thông minh
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác được cho là do cha mẹ không dành đủ thời gian để giám sát chế độ ăn của các con cũng như tình trạng ô nhiễm không khí làm cho phụ huynh ngại việc đưa con ra ngoài vận động thể chất.
Trẻ dễ mắc béo phì nếu tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh.
Béo phì làm tăng nguy cơ xơ cứng động mạch, hội chứng chuyển hóa, cholesterol cao, hen suyễn, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, viêm khớp và một số bệnh ung thư khác.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trẻ béo phì mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị suy giảm thị lực do thời gian dài hơn khi so sánh với những người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường.
Béo phì ở trẻ em cũng làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư bao gồm ung thư vú, ung thư ruột, tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung, ung thư thực quản, ung thư bàng quang mật, tuyến giáp, buồng trứng, cổ tử cung, thận, tuyến tụy, tuyến tiền liệt như nhiều bệnh ung thư u lympho (ung thư hạch).
Thừa cân béo phì ở trẻ còn gây ra những tác hại khôn lường sau:
Rối loạn tâm sinh lý, kém hòa nhập với cộng đồng
Thừa chất và dẫn đến dậy thì sớm
Nguy cơ cao mắc bệnh Blount (xương bị dị dạng do xương chày phát triển quá mạnh)
Các bệnh liên quan đến não bộ
Theo thông tin từ Medical Health, sau đây là một số cách mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng vào chế độ sinh hoạt và chế độ ăn cho trẻ bị béo phì:
Điều chỉnh chế độ ăn uống của trẻ (giảm bớt lượng chất béo, đường,...) nhưng không đặt vấn đề giảm cân, mà là giảm việc tăng cân, để đảo bảo việc phát triển đầy đủ của trẻ
Tăng cường hoạt động thể chất: Cho trẻ hoạt động thế chất ít nhất 60 phút/ngày và 3 ngày/tuần
Đảm bảo việc cung cấp đủ các loại vitamin và các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi
Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, sữa đặc có đường,...
Cho trẻ uống đủ nước để bù lại lượng nước đã mất khi trẻ tập luyện thể chất.
Phụ huynh có thể giúp kiểm soát cân nặng cho trẻ bằng nhiều cách.
Trong trường hợp cha mẹ cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng, chế độ sinh hoạt, ăn uống và vận động thể chất cho trẻ, hãy đưa trẻ đến thăm khám, tư vấn tại cơ sở y tế có chuyên khoa dinh dưỡng để trẻ được điều trị một cách hiệu quả và an toàn.