Giấm là gia vị không thể thiếu trong căn bếp của các gia đình. Bên cạnh tác dụng điều chỉnh hương vị món ăn, giấm còn được sử dụng trong nhiều mẹo vặt gia đình khác, nhất là để tẩy mùi tanh, làm sạch.
Thay vì mua giấm pha sẵn tại các cửa hàng, bạn hoàn toàn có thể tự làm giấm gạo từ nguyên liệu tự nhiên, vừa có hương vị thơm ngon tinh tế vừa lành tính hơn so với giấm hóa học.
Giấm có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Sohu)
Cách làm giấm gạo tại nhà không khó, và chỉ cần làm một lần, bạn đã có đủ lượng giấm để dùng trong thời gian dài. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:
- Gạo trắng: 200gr
- Đường trắng: 20gr
- Rượu: 1 bát con
- Nước sôi để nguội: 500ml
- Lọ đựng.
Bạn vo gạo 2 lần bằng nước sạch; chú ý không chà xát mạnh để tránh làm hỏng bề mặt gạo, gây mất chất dinh dưỡng. Tốt nhất là khuấy bằng tay nhẹ nhàng để gạo được làm sạch, sau đó cho vào bát đựng.
Gạo được làm sạch và hong khô để làm giấm. (Ảnh: Sohu)
Đặt chảo lên bếp, vặn lửa lớn, đổ gạo vào nồi, dùng thìa đảo nhanh cho khô nước trên bề mặt gạo. Sau đó, bạn để lửa vừa, tiếp tục rang cho đến khi gạo chuyển sang màu vàng thì tắt bếp. Đổ gạo ra một chiếc đĩa sạch để tản bớt nhiệt.
Rang gạo cho đến khi có màu vàng sậm. (Ảnh: Sohu)
Chuẩn bị lọ ủ: Lọ làm giấm phải được làm sạch, có nắp đậy kín, tiệt trùng bằng cách cho ít rượu trắng vào, xoay tròn để rượu tráng đều khắp thành của lọ rồi để một lúc cho rượu bay hơi hết. Bình được làm sạch và khử khuẩn cẩn thận sẽ đảm bảo không làm hỏng giấm, giúp cho giấm thơm ngon.
Sau khi lọ khô, bạn tìm một chiếc tô lớn sạch rồi cho đường trắng và gạo vào theo tỷ lệ 1 đường 10 gạo, sau đó đổ nước đun sôi để nguội vào, khuấy đều cho hỗn hợp quyện vào nhau. Đậy nắp và đặt lọ ở nơi mát mẻ để lên men, sau khoảng 15 ngày là hình thành giấm.
Giấm gạo tự làm thơm ngon và tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Sohu)
Giấm gạo màu hơi trắng ngà, có mùi thơm và vị chua nhẹ, không quá gắt như giấm hóa học. Bạn có thể chắt lấy nước để ra chai và dùng dần.
Quá trình rang gạo rất quan trọng, cần phải đảo đều tay để tránh làm cháy gạo. Thông thường khoảng 15 phút gạo sẽ chín và sau 20 phút sẽ chuyển thành màu nâu vàng.
Lượng nước sôi để nguội quyết định nồng độ của giấm gạo. Nếu muốn giấm có vị chua đậm đà, bạn có thể giảm bớt nước, còn nếu muốn vị chua nhẹ thì tăng nước. Tuy nhiên, hãy nhớ nguyên tắc lượng nước trong lọ ủ phải cách gạo ít nhất 2 đốt ngón tay để không ảnh hưởng xấu đến quá trình lên men.
Nếu muốn tăng hương vị cho giấm gạo, bạn có thể lấy một quả táo, xắt hạt lựu và cho vào ủ cùng. Lưu ý là táo phải được làm sạch, tráng nước sôi để tránh ảnh hưởng đến quá trình lên men.