Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bóng đá Trung Quốc hủy hợp đồng tỷ USD, gần bờ vực phá sản

(VTC News) -

Đang trong cảnh thua lỗ năm này qua năm khác, các đội bóng Trung Quốc lại vừa mất một nguồn thu quan trọng.

Hợp đồng 1,73 tỷ USD đổ vỡ

Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) vừa thông báo hủy hợp đồng với PPTV, đơn vị sở hữu độc quyền bản quyền truyền hình các giải trong nước. Họ buộc phải làm như vậy để cứu lấy nguồn thu lớn nhất của toàn bộ hệ thống giải vô địch quốc gia gồm Chinese Super League (CSL) và các hạng thấp hơn.

Năm 2015, CFA bán bản quyền truyền hình 5 năm cho công ty CSM với giá 1,25 tỷ USD. PPTV sau đó mua lại công ty này, ký tiếp hợp đồng độc quyền với CFA đến năm 2025 với giá 1,73 tỷ USD. Những thương vụ này biến CSL trở thành giải bóng đá có giá trị bản quyền truyền hình cao nhất của châu Á.

Giải Trung Quốc có giá trị bản quyền truyền hình cao nhất châu Á.

Tuy nhiên, cuộc hợp tác này chỉ thuận lợi trong 4 năm đầu tiên. PPTV mới thanh toán hơn 600 triệu USD. Đến mùa giải 2020, khi cả thế giới chịu tác động của đại dịch COVID-19, CFA chỉ nhận được vỏn vẹn 15 triệu USD từ đối tác độc quyền, chưa bằng 10% số tiền mà lẽ ra họ phải thu về.

Đầu tháng 2/2021, CFA gửi công văn đến PPTV và được đối tác này phản hồi rằng họ không có khả năng thanh toán khoản nợ ở thời điểm hiện tại. Đây lại là hợp đồng độc quyền, do đó Hiệp hội bóng đá Trung Quốc buộc phải thỏa thuận cắt đứt thương vụ này để bán lại cho đối tác khác.

Trong hoàn cảnh phải tìm cách cứu vãn nguồn thu mùa giải 2021, CFA khó có thể mong đợi một hợp đồng đắt tiền như PPTV. Năm 2014 khi chưa gặp cơn khủng hoảng COVID-19, CSM đã không có đối thủ cạnh tranh khi đấu thầu ở mức giá 1,25 tỷ USD/ 5 năm.

Trước đó, giá bản quyền truyền hình bóng đá Trung Quốc cao nhất chỉ là 12 triệu USD/năm. Từng có thời điểm bản quyền CSL rơi từ 7,3 triệu USD xuống còn 2 triệu USD một năm, ở giai đoạn đầu của thời kỳ bóng đá kim tiền. 

Nguồn sống thoi thóp của bóng đá Trung Quốc

Bản hợp đồng năm 2015 là một bước thổi phồng, thúc đẩy thêm dòng chảy tiền bạc của bóng đá Trung Quốc. Khoản tiền bản quyền truyền hình khổng lồ chính là nguồn thu chủ yếu của toàn bộ hệ thống giải chuyên nghiệp nước này.

Đó là lý do CFA bằng mọi giá phải cứu lấy nguồn thu này, bởi đó là những đồng tiền để các CLB "thoi thóp" trong giai đoạn khủng hoảng. 90% doanh thu bản quyền giải CSL được Hiệp hội bóng đá Trung Quốc chia về cho các câu lạc bộ.

Các CLB Trung Quốc luôn phải chịu cảnh thua lỗ.

Tính trung bình mỗi đội bóng nhận được khoảng 12,4 triệu USD mỗi năm, theo hợp đồng của PPTV năm 2018. Đối với những CLB tầm trung bình của CSL, con số này đủ để trả lương cầu thủ một năm.

Năm 2020, khi hầu hết các sân vận động không được mở cửa đón khán giả, hoặc bị giới hạn số lượng người đến xem các trận đấu, doanh thu bán vé và dịch vụ bên lề của các đội bóng gần như biến mất. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lượng người xem giải vô địch Trung Quốc trên truyền hình lại tăng lên.

Theo Sina, CSL vẫn là một trong những giải đấu thể thao hấp dẫn người xem nhất trên các nền tảng truyền hình ở Trung Quốc, với số lượng khán giả tăng 31% so với năm 2019. Do đó, CFA đang kỳ vọng có thể ký được những hợp đồng với giá khoảng 70-80 triệu USD/năm.

Để cứu vãn được nguồn thu này, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc trước tiên phải cắt đứt sự hợp tác độc quyền với PPTV và sẽ không ký những hợp đồng tương tự như vậy. Thay vào đó, họ dự tính bán nhiều gói bản quyền với giá thấp hơn để tiếp cận dễ hơn tới các đối tác và khai thác được trên nhiều nền tảng hơn.

Việc các tập đoàn lớn đổ tiền vào bóng đá đã biến một số CLB thành cỗ máy tiêu tiền không thu về lợi nhuận. Phần chia từ bản quyền truyền hình giải đấu là nguồn thu chính của các đội bóng, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Do vậy, bóng đá Trung Quốc phải tìm cách níu giữ những đồng tiền "cứu mạng" các CLB, thay vì bám lấy hợp đồng trị giá 1,73 tỷ USD mà chưa biết khi nào mới được thanh toán đủ.

Minh Ngọc

Tin mới