Trên Sina, bài viết của cây bút Chen Yong đang bóc trần những "mảng tối" của Super League - giải đấu sẽ được tái khởi động vào ngày 3/4 tới. Theo phóng viên thể thao này, đây sẽ là mùa giải "đau buồn" của rất nhiều đội bóng hàng đầu Trung Quốc từng "sống huy hoàng" với các nguồn đầu tư đến từ các doanh nghiệp, và giờ đã đến lúc "hạ màn" bởi tình hình kinh tế bi đát.
Các ngôi sao bóng đá sẽ rời Trung Quốc?
Theo đó, có ít nhất hai CLB bóng đá chơi ở Super League mùa này đang đứng trước thảm cảnh. Tianjing TEDA là đội bóng gặp khó khăn tệ hại nhất, và nhiều khả năng sẽ bị giải tán, trong khi đó Jiangsu Suning - nhà vô địch Super League Trung Quốc mùa giải 2020, cũng không mấy khả quan hơn khi các nhà đầu tư kiên quyết đưa ra yêu cầu cắt giảm mạnh các khoản chi phí trong tình cảnh HLV ngoại hết hợp đồng, các ngoại binh đòi ra đi và các cầu thủ chủ chốt dính tin đồn chuyển nhượng.
Với các CLB còn lại ở Super League, chặng đường phía trước cũng khá chông chênh. Theo nhận định của Chen Yong, sẽ chưa có CLB nào phải phá sản hay bỏ giải ở mùa bóng này, nhưng để tiếp tục tồn tại ở các mùa giải năm sau trong hoàn cảnh này là cực kỳ khó khăn.
Cụ thể, ở mùa giải năm nay, mức đầu tư trung bình cho một CLB tham dự Super League đã giảm hơn một nửa, thậm chí là nhiều hơn, có những CLB chỉ nhận được khoản đầu tư chỉ bằng 10%, thậm chí là 5% so với giai đoạn cao trào nhất với sự bùng nổ tài chính, tiền được được rót vào bóng đá Trung Quốc như nước.
Tính trung bình, mức đầu tư cho một CLB tham dự giải hạng Nhì Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 5 triệu NDT mỗi mùa bóng, hạng Nhất là 50 triệu NDT và Super League là 200 triệu NDT. Áp lực về tài chính với các nhà đầu tư đã được giảm xuống đáng kể, song mức độ sẵn sàng của họ cũng giảm xuống đáng kể không kém.
Bóng đá Trung Quốc sẽ tụt lại sau thời gian phát triển nóng.
Nguyên nhân không khó để phân tích, đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, và dĩ nhiên Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Hơn thế nữa, là sau hai mùa giải "bong bóng" vừa qua, các nhà đầu tư đã kịp nhận ra rằng hiệu ứng kinh doanh, truyền thông, quảng cáo khi đầu tư vào các đội bóng "đại gia" Trung Quốc không đem lại hiệu quả như dự đoán, thậm chí là đáng thất vọng hơn rất nhiều.
Vào lúc 17h ngày 28/2 sắp tới, thị trường chuyển nhượng mùa bóng này của Super League sẽ đóng lại. Trước thời điểm đó, các CLB Super League sẽ phải nộp về cho Ban tổ chức giải đấu phiếu xác nhận lương và tiền thưởng, để xác nhận mức thu nhập của cầu thủ không vượt quá quy định trần được đặt ra, đồng thời Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cũng nêu rõ "các CLB đến thời điểm đó chưa giải quyết dứt điểm nợ nần, sẽ bị loại ra khỏi mùa giải mới".
Nói cách khác, chỉ còn chưa đầy một tuần nữa để các CLB Trung Quốc tham dự Super League quyết định sự "sống chết" của mình. Theo nhận định của Sina, sẽ có không ít CLB đang phải "vắt chân lên cổ mà chạy" để cân đối ngân sách, cũng như giải quyết nợ nần và thỏa thuận giữ cầu thủ của mình trước thời điểm quyết định.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp của các đội bóng Trung Quốc là quay trở lại tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía địa phương, "cổ phần hóa ngược" để tận dụng nguồn tài chính từ địa phương. Theo Sina, các thành phố Trịnh Châu, Lạc Dương, Trùng Khánh, Thương Châu và Đường Sơn đã chấp nhận nhận lại đội bóng.
Đây là tiến trình "chuyên nghiệp hóa ngược". Trong khi bóng đá Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và thu được những thành quả rất đáng khích lệ với sự đầu tư mạnh tay của các doanh nghiệp, tách khỏi sự ảnh hưởng của các địa phương, thì sau vài năm "khiến cả thế giới phải lác mắt", Trung Quốc đang phải nhận "cú hẫng" quá lớn, khiến cả nền bóng đá phải liêu xiêu.