Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 17/9, người phát ngôn đã có phản ứng với việc mới đây, sau nhiều ngày đăng tải nội dung có hình ảnh bản đồ đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên trang Facebook chính thức của mình, đại sứ quán Mỹ đã đổi lại thành hình ảnh bản đồ không còn hai quần đảo này nữa.
Bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa được Đại sứ quán Mỹ cập nhật trên Facebook. (Ảnh: Facebook Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói "Việt Nam nhất quán lập trường quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam". Đồng thời, bà Hằng cũng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. "Lập trường nhất quán và xuyên suốt nêu trên của Việt Nam đã được bày tỏ nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả tại Liên Hiệp Quốc và được nhiều quốc gia tôn trọng, ủng hộ", người phát ngôn nói.
Trước đó, trong bài viết nhìn lại 25 năm quan hệ đối tác Việt Nam - Mỹ trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 9/9 sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, đến ngày 15/9, hình ảnh này đã bị thay đổi.
Khi được hỏi về kế hoạch nối lại đường bay với một số quốc gia của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có quyết định nối lại chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và một số địa bàn có hệ số an toàn cao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Lào, Campuchia.
Theo đó, đối tượng được phép nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại nói trên gồm: công dân Việt Nam; người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và nhân thân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng.
Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của nước ngoài và dự kiến sẽ khôi phục các chuyến bay giữa Việt Nam với Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc) từ ngày 15/09/2020, với Viêng Chăn (Lào) và Phnôm Pênh (Campuchia) từ ngày 22/09/2020.
Người muốn nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay này bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba tại các điểm mở lại đường bay đối với Việt Nam cần tuân thủ nghiêm túc các điều kiện y tế, xét nghiệm trước khi nhập cảnh và phải thực hiện cách ly theo quy định phòng chống dịch của Việt Nam.
Liên quan đến khả năng Anh tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bà Hằng nêu rõ:
"Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định Thương mại tự do chất lượng cao với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước thành viên và tự do hóa thương mại theo hướng mở và dựa trên luật lệ quốc tế tại khu vực. Các nước thành viên CPTPP đã thông qua quy trình gia nhập, theo đó các nền kinh tế quan tâm thì cần đáp ứng tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như quy trình gia nhập".
Theo bà Hằng, phía Anh cũng đã có một số hoạt động trao đổi với các thành viên của CPTPP.
"Việt Nam với tư cách là nước thành viên của CPTPP sẵn sàng chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP nếu phía Anh quan tâm", người phát ngôn nhấn mạnh.
Cũng trong buổi họp báo, cập nhật về thông tin vụ va chạm giữa lực lượng quản lý bờ biển Malaysia và hai tàu cá Việt Nam hồi tháng 8, bà Hằng cho biết:
Trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước vụ va chạm khiến 4 ngư dân Việt Nam thiệt mạng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã đề nghị phía Malaysia sớm có hình thức hỗ trợ để đưa thi hài của nạn nhân về nước theo nguyện vọng của gia đình, đối xử nhân đạo với số ngư dân đang bị bắt giữ, sớm sắp xếp cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đi thăm lãnh sự các ngư dân để tìm hiểu thông tin và thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.
"Tuy nhiên, cho đến nay, phía Malaysia vẫn chưa thu xếp được cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thăm lãnh sự. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc này", bà Hằng cho hay.