Câu hỏi:
Tôi năm nay 40 tuổi, sống tại TP.HCM. Lúc bố đẻ tôi mất có di chúc cho tôi và em trai tôi đứng tên căn nhà cùng mảnh vườn ở quê (đất và nhà chung 1 sổ đỏ). Trong di chúc, bố tôi yêu cầu hai anh em cùng sở hữu làm nơi thờ cúng và làm nơi tụ họp cho con cháu, không được bán. Hiện tại, do khó khăn về kinh tế, em trai tôi đề nghị bán hết tài sản bố để lại.
Trường hợp này, nếu tôi không đồng ý bán, em tôi khởi kiện thì tôi có buộc phải đồng ý bán đất không?
Ảnh minh họa.
Trả lời:
Theo Luật sư Trần Công Tú - Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền thừa kế như sau: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Như vậy, bố của bạn là cá nhân trước khi chết lập di chúc để định đoạt tài sản của mình là phù hợp với quy định pháp luật.
Nội dung bạn hỏi sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: Nếu di chúc bố bạn để lại không hợp pháp thì di sản trên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015. T
heo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Do đó, nếu di chúc bố của bạn không hợp pháp sẽ được chia thừa kế theo pháp luật và những người được thừa hưởng di sản thừa kế của bố bạn trước hết là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như trên.
Trường hợp thứ hai: Di chúc hợp pháp là trường hợp di chúc được thực hiện phù hợp với quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.
Di chúc hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm mở di sản thừa kế. Theo nội dung mà bạn trình bày, bố của bạn trước khi chết có lập di chúc và nội dung di chúc là để lại cho bạn và em trai cùng đứng tên căn nhà và mảnh vườn ở quê (đất và nhà chung 1 sổ đỏ) dùng để làm nơi thờ cúng và làm nơi tụ họp cho con cháu, không được bán. Hiện tại, do khó khăn về kinh tế, em trai bạn đề nghị bán mảnh vườn và chỉ chừa lại căn nhà thờ cúng ông bà.
Như vậy, phần di sản trên được đề cập trong di chúc là di sản dùng vào việc thờ cúng phù hợp với quy định pháp luật.
Căn cứ quy định khoản 1, Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì họ có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, trong di chúc bố của bạn là người để lại di sản nêu rõ nhà, đất sử dụng vào việc thờ cúng và không cho bán là thể hiện mong muốn, nguyện vọng của người để lại di sản. Do đó, em trai của bạn không được thực hiện việc bán phần đất vườn mà bố của bạn để lại dùng vào việc thờ cúng.
Ngoài ra, trường hợp toàn bộ di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng (theo quy định khoản 2, Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015). Tức là, toàn bộ di sản người chết để lại không đủ “trả nợ” thì nhà, đất phải được sử dụng vào để trả nợ cho dù nội dung di chúc ghi rõ là để sử dụng vào việc thờ cúng.