Luật sửa đổi một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính không có biện pháp “ngưng cung cấp điện, nước” như dự thảo ban đầu. Chiều nay (13/11) Quốc hội đã biểu quyết về việc không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước” trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 42/142 điều của Luật XLVPHC; sửa kỹ thuật 13/142 điều của Luật XLVPHC; bổ sung mới 3 điều; bãi bỏ 2 điều: 1 điều của Luật XLVPC và 1 điều của Luật phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2008/QH12); sửa đổi, bổ sung 1 điều của Luật thanh tra số 56/2010/QH12.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 86 của Luật XLVPHC), hiện còn nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội.
“Ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước…Ý kiến thứ hai cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết về việc không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”.
Kết quả, có 390 đại biểu tham gia tán thành (chiếm 80,91% tổng số Đại biểu Quốc hội) về việc không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”. Như vậy, Luật sửa đổi một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính không có biện pháp “ngưng cung cấp điện, nước” như dự thảo ban đầu.