Chiều 11/11, bên hành lang Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Đỗ Văn Sinh tiếp tục tỏ ý chưa đồng tình việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai, với thay đổi lớn nhất là giao việc quản lý, sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang cho Bộ Công an.
- Giao việc quản lý, sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an có phải là giải pháp tốt ở thời điểm này?
Từ năm 2007, đã có nghị quyết của Đảng chuyển những việc của quân đội, công an sang khu vực dân sự. Đó là chủ trương rất quan trọng mà thực tế trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện tốt. Trong đó có việc cấp bằng lái xe, được chuyển từ Bộ Công an sang Bộ GTVT từ năm 1995. Đến bây giờ, sau 25 năm, chúng ta vẫn đang làm ngày càng tốt. Tất cả mọi thứ, từ đào tạo, sát hạch, cấp bằng được công nghệ hóa rồi.
Vấn đề thứ 2 là xã hội hóa. Tất cả hơn 400 cơ sở đào tạo cấp bằng lái xe đã được xã hội hóa hết, Nhà nước không phải đầu tư.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh.
Cũng có lý do cho rằng, việc chuyển sang Bộ Công an quản lý sẽ giúp hạn chế bằng giả. Hiện nay, có rất nhiều thứ giả, từ bằng đại học, bằng trung học, bằng ngoại ngữ thậm chí tiền cũng giả, chứng minh thư cũng giả. Hộ chiếu giả, hộ khẩu giả cũng do công an cấp cả, thì bây giờ chuyển cho ai?
Kể cả trong trường hợp chuyển việc cấp giấy phép cho Bộ Công an cũng không thể khẳng định không có đồ giả.
Tôi thấy tách luật thế là không hợp lý.
- Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định việc tách luật sẽ rất tiết kiệm, không lãng phí?
Tôi chưa thấy tiết kiệm đâu cả. Bởi vì tiết kiệm hay không phải có đánh giá rất cụ thể. Trong dự thảo này không thấy đánh giá tiết kiệm. Nhưng tôi thấy rõ một vấn đề cần giải quyết, đó là hiện nay có khoảng 2.000 người đang làm nhiệm vụ tổ chức sát hạch, cấp bằng, khoảng 700 người công tác quản lý còn lại là các quan hệ khác.
Vậy hơn 2.000 người kia, Bộ GTVT giải quyết thế nào? Cho người ta thôi việc à? Cho thôi việc cũng phải trợ cấp. Chuyển việc sang cho Bộ Công an thì lực lượng công an có phải tăng biên chế không? Không tăng lấy người đâu để làm?
Tôi cho rằng phải đánh giá rất cụ thể tiết kiệm ở đâu và xử lý các vấn đề thế nào.
- Khi tách hai luật, Bộ trưởng GTVT đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông nhưng Bộ Công an từ chối. Ông có băn khoăn về con số này?
Tôi cho rằng quan trọng nhất ở xã hội là tổ chức phân công để làm sao việc tổ chức gọn nhất với bộ máy hiệu quả nhất, chi phí ít nhất. Ta phải tổng kết, đánh giá rất khoa học chứ không phải vì ý chí mà làm việc phản khoa học, phản lợi ích của dân, mang hiệu quả không tốt cho dân.
Như trong trường hợp tổ chức sát hạch, tại sao các Bộ không cùng phối hợp với nhau. Tại sao không đưa ra giải pháp, mà cứ phải đưa mọi việc sang Bộ Công an thì mới làm tốt hơn hay sao. Tại sao Bộ Công an không phối hợp với Bộ GTVT cùng làm việc sát hạch, đánh giá, cấp phép giấy phép lái xe. Ví dụ, trong quá trình sát hạch, mời công an cùng tham gia.
Cùng trong Chính phủ, tại sao không phối hợp để làm tốt hơn?
- Xin cảm ơn ông!
Trước các ý kiến lo ngại sẽ nảy sinh bất cập khi Bộ GTVT đầu tư rất nhiều vào các cơ sở sát hạch nhưng theo dự thảo Luật mới lại chuyển về Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định "Công an không đụng chạm gì đến cơ sở này vì chủ yếu việc sát hạch, đào tạo lái xe đã xã hội hóa".
Theo Tư lệnh ngành Công an, Bộ chỉ kiểm soát việc cấp bằng lái xe, quản lý việc cấp phải đúng tiêu chuẩn, quy định, chống tình trạng làm giả, gian lận.
"Chỉ quản lý việc đó thôi còn các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Đề cập tới tình trạng chồng chéo giữa hai lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, Đại tướng Tô Lâm nêu quan điểm: “Không có nước nào trên thế giới mà cảnh sát giao thông giữ xe để thanh tra giao thông đi kiểm tra. Trước đây có những trường hợp lái xe vi phạm đóng cửa bỏ đi, thanh tra giao thông phải nhờ cảnh sát giao thông kéo xe ra chỗ khác, rất bất cập”.
Theo Bộ trưởng, quy định như dự thảo các luật mới thì nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông vẫn vậy nhưng công việc giảm đi. Bởi, chúng ta sẽ áp dụng khoa học công nghệ để thực hiện những điều này.