Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại phiên thảo luận, việc bổ sung hình thức xử phạt cắt điện, nước công trình xây dựng vi phạm tiếp tục là nội dung gây nhiều tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) khẳng định, ông không đồng tình với việc bổ sung hình thức này trong bất cứ một biện pháp cưỡng chế nào cả.
"Tôi dám cam đoan với Quốc hội là không có một vụ vi phạm hành chính nào mà chính quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh phát hiện kịp thời và ngăn chặn một cách quyết liệt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không thành công. Chúng ta chỉ có thể bỏ qua, thờ ơ rồi làm không đến nơi đến chốn thì nó mới tồn tại, còn chúng ta đã quyết tâm, quyết liệt thì không có một doanh nghiệp nào, không có một cá nhân nào có thể chống lại các quyết định của cơ quan nhà nước", ông Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An).
Vị đại biểu đoàn Nghệ An từ đó đề nghị Quốc hội không tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hành pháp khi các biện pháp của pháp luật đã có thừa và đủ.
Cũng phản đối việc bổ sung hình thức xử phạt cắt điện, nước, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) dẫn ra trường hợp một đồng tôm vi phạm quy định về môi trường.
"Nếu cắt điện thì chắc chắn một thời gian rất ngắn cả cánh đồng tôm sẽ chết, vừa thiệt hại kinh tế, còn gây hậu quả môi trường lớn hơn. Theo quan điểm của tôi, áp dụng biện pháp này bằng hành vi cụ thể và trường hợp cụ thể. Đó là điện, nước phải là công cụ để thực hiện hành vi vi phạm phạm hành chính, chỉ sử dụng trong trường hợp đó thôi", ông Gia cho hay.
Nhấn mạnh đồng tình với quan điểm của đại biểu Gia về việc chỉ áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước khi điện, nước là công cụ vi phạm hành chính, đại biểu Bùi Thị Thủy (đoàn Thanh Hóa) khẳng định cung cấp dịch vụ điện, nước là quan hệ dân sự.
"Nếu bên vi phạm đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp mà trong hợp đồng đó không quy định người được cung cấp dịch vụ đó phải tuân thủ và phải đáp ứng các quyền lợi hay nghĩa vụ đối với xã hội, chúng ta lại áp dụng biện pháp cưỡng chế thì vô hình trung đã vi phạm Bộ luật Dân sự. Theo ý chủ quan của tôi là cần sửa đổi để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa không xung đột luật pháp về vấn đề này", bà Thủy cho hay.
Đại biểu Bùi Thị Thủy.
Chia sẻ quan điểm khác, đại biểu Bùi Quốc Phòng - Thái Bình cho biết ông đồng tình với phương án bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Theo ông Phòng, thực tế có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, nhất là vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Nếu vẫn cung cấp điện, nước thì họ vẫn sản xuất và sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân và lợi ích của cộng đồng.
"Quy định như vậy sẽ đảm bảo trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan", vị đại biểu nêu ý kiến.