Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bình Định hướng tới thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn khu vực miền Trung

(VTC News) -

Với việc đẩy mạnh thu hút các dự án năng lượng tái tạo, Bình Định kỳ vọng thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn khu vực miền Trung.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo đổ về Bình Định

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, tính đến hết tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh có 21 nhà máy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 878,9MW, gồm 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất là 347,9MW; 04 nhà máy điện gió với tổng công suất 107,4MW và 05 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 529,5MWp.

Ngoài ra, còn có các hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 223MWp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có dự án Thủy điện hạ lưu đập dâng Phú Phong, công suất 2,9MW đang triển khai thi công và dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4, công suất 18MW đang hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai thi công xây dựng.

Mới đây, ngày 22/10, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã tiếp và làm việc với ông Per Hornung Pedersen - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE (Đức) về một số vấn đề liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp và làm việc với Tập đoàn PNE.

Theo UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã nỗ lực, cố gắng, quan tâm kêu gọi, thu hút nhà đầu tư lớn có năng lực tài chính và kinh nghiệm đến tỉnh nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, trong đó có Tập đoàn PNE (có trụ sở tại Cộng hòa liên bang Đức. Đây một trong những tập đoàn có nhiều kinh nghiệm phát triển điện gió, có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các dự án điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi) đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định với quy mô công suất 2.000 MW được chia thành 03 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn dự án đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ USD).

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay, Bình Định rất quyết tâm thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, bởi dự án này bắt đầu triển khai từ vài năm trước. Lãnh đạo tỉnh cũng đã đến thăm, làm việc và tìm hiểu các công nghệ, dự án mà tập đoàn đang thực hiện ở Đức.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nhấn mạnh, hai bên tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức khi triển khai dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam; tiếp tục làm việc, thảo luận, đánh giá hết tiềm năng, tính khả thi của dự án, thống nhất những cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để triển khai dự án trong thời gian tới. Đồng thời tin tưởng, Tập đoàn PNE sẽ triển khai thành công dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trao đổi với lãnh đạo tập đoàn PNE về định hướng, chiến lược tiếp tục xúc tiến triển khai dự án điện gió ngoài khơi, phương án bố trí vốn khi dự án được chấp thuận đầu tư. Ông Phạm Anh Tuấn tin tưởng rằng, dự án khi được triển khai thực tế sẽ góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng mong muốn ông Per Hornung Pedersen cùng Tập đoàn PNE tiếp tục quan tâm, giới thiệu các nhà đầu tư Đức đến đầu tư tại Bình Định.

Dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư sau khi hoàn thành với tổng công suất 2.000MW, đưa vào vận hành phát điện thì mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực, đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng.

Dự án cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Định, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương và hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt. Đồng thời, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cũng là những điểm tham quan, du lịch học tập, góp phần tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

Việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cũng là những điểm tham quan, du lịch học tập, góp phần tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

Trước đó, Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte., Ltd và UBND tỉnh Bình Định đã ký kết ghi nhớ thiết lập mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Định đối với Dự án Nhà máy điện gió Nexif Ratch Bình Định với quy mô vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.500 tỷ đồng.

Ông Cyril Dissescou cho biết, dự án Nhà máy điện gió Nexif Ratch Bình Định triển khai tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh; có quy mô công suất 150 MW. Công ty sẽ lắp đặt một trụ đo gió trong khu vực khảo sát của dự án để nghiên cứu tiềm năng năng lượng của khu vực. Để triển khai thành công dự án này, ông Cyril Dissescou mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Định quan tâm, chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Trước đó, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, UBND tỉnh Bình Định cũng đã trao các bản ghi nhớ đầu tư liên quan đến dự án Xây dựng nhà máy điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi với công suất 2.000 MW của Liên danh IDG Capital - STS Development và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội (vốn đầu tư dự án khoảng 4,8 tỷ USD); dự án Nhà máy điện sinh khối Bình Định (tại huyện Phù Cát) của Công ty CP Erex (vốn đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng).

Ngoài ra, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án Điện gió ngoài khơi tại huyện Phù Mỹ với vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,6 tỷ USD.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, phát triển năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bình Định là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo như: Thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện rác, địa nhiệt, điện sinh khối… Đặc biệt, với bờ biển dài 134 km, Bình Định có điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai đầu tư và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo. Các dự án nguồn năng lượng tái tạo đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và mở ra triển vọng về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Đoàn khảo sát tại khu vực Đề Gi (Phù Cát)

Kỳ vọng hiệu quả lớn

Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tăng nguồn cung cấp năng lượng điện tại chỗ, giảm hiệu ứng nhà kính và các tác động tiêu cực từ phía môi trường, tạo hình ảnh thân thiện của tỉnh Bình Định trong việc xây dựng hình ảnh du lịch xanh, sạch và bền vững. Ngoài ra, khi đi vào vận hành, các dự án sẽ góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh nhà.

Theo Đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh tỉnh Bình Định đến năm 2030, sẽ có 40 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.280 MWp, điều này phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn năng lượng này trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Công thương sớm xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030; nếu được phê duyệt thì tỉnh Bình Định sẽ là một Trung tâm năng lượng tái tạo lớn của khu vực miền Trung.

Ngọc Anh

Tin mới