Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định: Trí tuệ nhân tạo mở ra những cơ hội đột phá

(VTC News) -

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, trí tuệ nhân tạo đang mở ra những cơ hội đột phá để Bình Định nghiên cứu để áp dụng trong mọi lĩnh vực.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo cải thiện chất lượng dịch vụ

Phát biểu tại Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng được tổ chức tại Bình Định vào sáng 18/8 vừa qua, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết,

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng không còn là những từ khóa mới mẻ mà đã trở thành những yếu tố then chốt, quyết định thành bại trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng được tổ chức tại Bình Định vào sáng 18/8 vừa qua.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra mục tiêu phát triển tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm kinh tế mạnh, bền vững, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đây không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là khát vọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. Việc phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng là những bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần xây dựng tỉnh Bình Định trở thành trung tâm công nghệ cao của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Trí tuệ nhân tạo đang mở ra những cơ hội đột phá trong mọi lĩnh vực. Bình Định đã bắt đầu nghiên cứu để áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như quản lý đô thị thông minh, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, trong y tế, nông nghiệp công nghệ cao… Những ứng dụng này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn mang lại những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.

Tuy nhiên, để trí tuệ nhân tạo thực sự trở thành động lực chính cho sự phát triển, cần phải xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ, bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu”, Bí thư tỉnh ủy Bình Định khẳng định.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại hội nghị.

Ông Dũng nói thêm, đối với công nghiệp bán dẫn, thế giới đã xác định đây là một trong những ngành công nghiệp cốt lõi của thế kỷ 21; sản phẩm bán dẫn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong các thiết bị điện tử hiện đại mà còn là nền tảng của mọi tiến bộ công nghệ.

Đối với Bình Định, phát triển công nghiệp bán dẫn không chỉ là cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn giúp nâng cao vị thế công nghệ của tỉnh; việc này đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược dài hạn, sự đầu tư nghiêm túc vào hạ tầng công nghệ và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, phát triển công nghệ phải kể đến an ninh mạng. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, việc bảo vệ hệ thống thông tin và dữ liệu trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bình Định đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng lực an ninh mạng, tuy nhiên, để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng, cần hợp tác chặt chẽ hơn với các chuyên gia và tổ chức quốc tế để cập nhật các giải pháp và công nghệ tiên tiến nhất. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn thông tin mà còn giúp Bình Định tạo ra một môi trường số an toàn, đáng tin cậy, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số”, ông Dũng cho biết.

Bình Định có tiềm năng để phát triển công nghệ số

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, Bình Định là tỉnh có tiềm năng để phát triển công nghệ số nhờ vào vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như du lịch, nông nghiệp, và chế biến. Để phát triển thực sự bứt phá, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thực tế hiện nay, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số (CNS) đã trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh, giai đoạn từ năm 2015 - 2023 tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm, đóng góp lớn cho GDP.

Năm 2023, doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt khoảng 138,5 tỷ USD (tăng 23% so với năm 2019 và 128% năm 2015); số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp; số lượng lao động trong các doanh nghiệp CNTT, CNS đang hoạt động ước đạt khoảng 1,45 triệu người.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang được Chính phủ giao xây dựng Luật Công nghiệp CNS và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nhằm xây dựng hành lang pháp lý, chính sách đột phá với và những nhiệm vụ chiến lược nhằm thúc đẩy công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn, kịp thời nắm bắt xu thế phát triển công nghệ (như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn); thu hút, đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu  vào Việt Nam.

Trung tâm khám phá khoa học, vũ trụ tọa lạc tại thành phố Quy Nhơn

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành và hỗ trợ Tỉnh Bình Định, doanh nghiệp công nghệ phát triển các lĩnh vực ưu tiên về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Tỉnh công nghiệp công nghệ số của tỉnh sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, sớm trở thành một trong các trung tâm công nghệ số của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nói.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu thế tất yếu của thế giới và của Việt Nam, tỉnh Bình Định đã đột phá trong việc đi đầu cả nước về hình thành Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Dự án do Tập đoàn FPT làm chủ đầu tư, với quy mô đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển và đào tạo nhân sự công nghệ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, cũng như trong khu vực, hướng đến mục tiêu đưa Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.

Bình Định đã đột phá đi đầu cả nước về hình thành Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ đầu tiên tại Việt Nam.

Tổ hợp này cũng sẽ là nơi sản xuất phần mềm, cung ứng các dịch vụ công nghệ cao, dựa trên các công nghệ AI, internet vạn vật, big data… thúc đẩy công nghiệp ICT, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế số của tỉnh và Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Ngọc Anh

Tin mới