Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn vừa ký ban hành văn bản số 6211 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Trong đó, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tham mưu UBND tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Ảnh minh họa.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Bình Định cũng yêu cầu các Chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.
Trong đó, tập trung cao độ hơn nữa, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện dự án trong tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan cho chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng; tính toán đầy đủ các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, để ưu tiên thực hiện trước, tránh xảy ra vướng mắc và phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện.
Ưu tiên sử dụng kế hoạch vốn được phân bổ năm 2024 để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, đường liên vùng, đường ven biển. Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tham gia tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Cùng với đó, các Chủ đầu tư dự án thanh toán kế hoạch được giao trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày có khối lượng hoàn thành, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, hồ sơ nghiệm thu khối lượng hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát, thanh toán và hoàn ứng theo quy định; không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo thực chất, không lạm dụng việc tạm ứng hợp đồng. Quản lý chặt chẽ việc tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đảm bảo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, hạn chế trình cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án đã được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn đến hết năm 2024.
Đối với các cơ quan tham mưu tổng hợp cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, nhất là các vướng mắc trong công tác xác định giá đất, đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Xử lý nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định làm ảnh hưởng đến việc thi công các dự án.
Sở Tài chính khẩn trương phê duyệt và trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, làm cơ sở để cấp thẩm quyền bố trí kinh phí chi trả, không gây nợ đọng XDCB. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đúng nội dung, biểu mẫu, thời gian quy định; kịp thời xử lý các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các Chủ đầu tư trong công tác quyết toán dự án theo thẩm quyền.
Phấn đấu tăng thu từ nguồn sử dụng đất (bao gồm: đấu giá quyền sử dụng đất ở lô lẻ do nhà nước đầu tư và đất dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư) để đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư công theo kế hoạch vốn năm 2024 đã được HĐND tỉnh giao, thông qua việc theo dõi, đánh giá sát tình hình diễn biến thị trường để đề ra các giải pháp tăng thu ngân sách, các giải pháp về đấu giá quyền sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, chủ động tham mưu cấp thẩm quyền điều chuyển (cắt giảm, bổ sung) kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2024 sang các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn để đẩy nhanh tiến độ. Hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024 sang năm 2025.
Kho bạc nhà nước tỉnh kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án ngay khi đã đầy đủ hồ sơ theo quy định, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc nhà nước. Cung cấp kịp thời, chính xác và chịu trách nhiệm về số liệu giải ngân của các chương trình, dự án cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm căn cứ rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn.
Sở Xây dựng theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường; theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 24/7/2024 là 3.886 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.365,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 52,76%; so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (8.967,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 43,33% kế hoạch vốn.
Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương là 42,73%, trong đó từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 40,99%. Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: Vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 42,80%; Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia là 46,44%; vốn nước ngoài (ODA) là 63,83%. So với cùng kỳ, giá trị giải ngân thấp hơn 123,5 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân cao hơn 1,57%.
Nguyên nhân giá trị tuyệt đối giải ngân 7 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ là vì năm 2023 tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương giao cao hơn năm 2024 là 2,11 lần (trong đó chủ yếu vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu năm 2023 là 2.069,1 tỷ đồng, cao hơn 2,75 lần kế hoạch vốn năm 2024 (năm 2024: 751,760 tỷ đồng). Do đó mặc dù tỷ lệ giải ngân năm 2024 cao hơn so với cùng kỳ, nhưng giá trị tuyệt đối giải ngân lại thấp hơn cùng kỳ 123,5 tỷ đồng.