Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí thư Hà Nội: Vành đai 4 sẽ góp phần phát triển, tăng thu nhập cho người dân

(VTC News) -

Theo ông Đinh Tiến Dũng, khi đường Vành đai 4 hình thành, những khu vực tuyến đường đi qua sẽ có điều kiện phát triển, người dân gia tăng thu nhập.

Ngày 16/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi kiểm tra thực địa công tác giải phóng mặt bằng, tiếp xúc, nghe ý kiến người dân tại hai huyện Đan Phượng, Hoài Đức.  

Sau buổi kiểm tra ở 4 điểm tuyến đường đi qua, Bí thư Hà Nội cho biết, điều đáng mừng nhất là người dân đều hồ hởi, phấn khởi và thể hiện rõ sự ủng hộ, đồng thuận cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đây là nhân tố rất quan trọng, qua đây càng đòi hỏi các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải làm thật tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng như đã đề ra. Đặc biệt, các cấp, các ngành phải làm thật tốt công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, nghiên cứu bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định.

Trong đó, chủ trương chung của thành phố là chọn những khu đất đấu giá để bố trí tái định cư cho người dân có đất ở phải giải phóng mặt bằng, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, tương xứng cho người dân yên tâm, sớm ổn định cuộc sống.

Bí thư Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo thành phố khảo sát, kiểm tra thực địa Dự án đầu tư, xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại địa điểm chân cầu Hồng Hà giao với đê Hữu Hồng (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng).

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội mang lại nhiều lợi ích. Ngoài giải quyết bài toán kết nối liên vùng, tạo điều kiện di dời giãn mật độ dân cư, khắc phục quá tải hạ tầng khu vực nội đô, tuyến đường còn mở rộng không gian phát triển, tạo ra động lực mới thúc đẩy các huyện còn khó khăn vươn lên.

“Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các vùng tuyến đường đi qua là nông thôn, bà con sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người thành phố là 141,6 triệu đồng/người/năm, nhưng những nơi này thu nhập bình quân là 53 - 55 triệu đồng/người/năm, chênh lệch rất lớn. Khi tuyến đường hình thành, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu đất phát triển đô thị của Hà Nội sẽ được tăng lên. Những khu vực này sẽ có điều kiện phát triển, người dân sẽ gia tăng thu nhập...”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Phát biểu chỉ đạo lãnh đạo 2 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhắc nhở lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là các đồng chí đứng đầu phải quán triệt tinh thần trách nhiệm cao vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; sát sao với công việc, bám sát tình hình ở cơ sở, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng nên các đồng chí phải sát sao với công việc, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến lòng tin của dân và sự tin tưởng của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Trung ương”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của huyện Đan Phượng, với tiến độ hiện tại, trong quý II-2023, huyện sẽ di dời được 1.440/1.678 ngôi, đạt 85,8%. Đồng thời, huyện sẽ ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền đối với các hộ có đất bị thu hồi đạt 100%. Huyện cũng sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án tái định cư và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 4 dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang.

Trong khi đó, huyện Hoài Đức khẳng định sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 82% tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng trong quý II-2023.

Minh Tuệ

Tin mới