Năm 1961, một sự kiện quân sự quan trọng đã diễn ra tại Liên Xô. Ý nghĩa của nó được các chuyên gia so sánh với chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin. Đó là sự kiện hệ thống phòng thủ tên lửa thử nghiệm A của Liên Xô lần đầu tiên trong lịch sử đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo R-12 khi đang bay ở vận tốc siêu thanh. Đây là kỳ tích quân sự mà ít chuyên gia dám tin lúc bấy giờ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên do Liên Xô chế tạo.
Dự án mang tính cách mạng
Vào những năm 1950, tên lửa đạn đạo lần đầu xuất hiện ở hai bên bờ đại dương, và được coi là vũ khí tối tân trong Chiến tranh Lạnh. Cả Liên Xô và Mỹ đều không có phương tiện để đánh chặn các đầu đạn dài 2,5 mét, với tốc độ bay 5km/giây (hơn 17 Mach). Ngoài ra, chưa có loại radar nào có thể phát hiện mục tiêu nhanh như trên. Đồng thời cũng các bên cũng chưa có khả năng tính toán nhanh, để dự báo quỹ đạo bay của tên lửa tầm xa, nhằm đánh chặn ở khoảng cách an toàn.
Tháng 9/1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô nhận được một bức thư do 7 nguyên soái Liên Xô, trong đó có chữ ký của tổng tham mưu trưởng quân đội. Họ yêu cầu lãnh đạo đất nước xem xét việc chế tạo các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.
Một năm sau, dự án phòng thủ tên lửa SKB-30 được bắt đầu xây dựng, do kiến trúc sư trưởng Grigory Kisunko đứng đầu. Năm 1956, các cơ sở quân sự của dự án này được chuyển tới Kazakhstan. Điểm đến là nơi chưa ai từng biết đến - Sary-Shagan.
Theo kế hoạch ban đầu, mọi thứ phải được xây dựng đồng bộ cùng một thời điểm. Trong đó có bãi thử nghiệm tên lửa, radar tầm xa đầu tiên Danube-2, với hệ thống ăng ten thu và phát khổng lồ được dựng trên bờ hồ Balkhash. Ngoài ra, phát triển radar dẫn đường chính xác, cùng với một trung tâm máy tính và một trạm chỉ huy.
Cơ sở quân sự của dự án phòng thủ tên lửa được xây dựng tại Kazakhstan.
Vilen Gundorov, kĩ sư của Viện Radar tầm xa Liên Xô, cho biết ông được cử đến hồ Balkhash để đo các đặc tính chính xác của ăng-ten thu và phát của radar tầm xa Danube-2. Bên cạnh những công trình lộ thiên dài 100m là những tòa nhà hai tầng, nơi đặt các thiết bị công nghệ quân sự.
Những công nhân xây dựng không có thời gian để dựng nhà ở. Họ đặt giường gấp giữa các thiết bị để ngủ. Thức ăn cũng được nấu ở đó. Mọi việc diễn ra rất khẩn trương.
Lúc này, tại phòng thiết kế Fakel gần Matxcơva, các kĩ sư Liên Xô đang hoàn thiện đầu đạn đánh chặn V-1000. Việc chế tạo V-1000 dựa ý tưởng mang tính cách mạng về một hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên trên thế giới.
Theo đó, ở giai đoạn đầu tiên, đầu đạn đánh chặn được đưa lên không trung nhờ động cơ đẩy rắn phát triển lực đẩy 200 tấn (gấp đôi sức mạnh của động cơ tên lửa liên lục địa hiện đại). Trong 4 giây, tên lửa tăng tốc lên tốc độ 2 Mach. Sau đó, giai đoạn thứ hai sử dụng bình nhiên liệu lỏng, đẩy tốc độ của tên lửa lên 5 Mach. Đầu đạn V-1000 chứa 16.000 viên bi cacbua vonfram.
Khi chủ đề phòng thủ tên lửa được thảo luận tại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nguyên soái Voroshilov hỏi về khả năng tiêu diệt đầu đạn tầm xa. Kiến trúc sư trưởng Grigory Kisunko đáp rằng, hoàn toàn có thể thực hiện.
Theo thiết kế của dự án, tên lửa đánh chặn V-1000 được phóng từ một bệ phóng đường sắt tĩnh. Trước khi khai hỏa, tên lửa sẽ chuyển hướng đến phương vị và độ cao mong muốn. Quá trình điều khiển tên lửa trong hành trình bay hoàn toàn tự động bằng máy tính bán dẫn. Độ cao đánh chặn tối đa của V-1000 là 25 km.
Đánh chặn thành công
Theo lời kể của Grigory Kisunko, các bài kiểm tra của hệ thống phòng thủ tên lửa thử nghiệm A gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống lần đầu tiên ra mắt ngày 8/12/1960, tuy nhiên nó không hoạt động do một loạt lỗi hệ thống. Cụ thể ngày 10/12, chương trình điều khiển của tên lửa V-1000 bị trục trặc. Đến ngày 17/12, bộ cấp nguồn của máy thu trong radar dẫn đường cũng gặp sự cố. Tiếp đó, ngày 22/12 xảy ra lỗi điều hành radar cảnh báo sớm. Và ngày 23/12, giai đoạn hai của tên lửa đánh chặn gặp lỗi.
Tổng cộng có ít nhất 5 đợt thử nghiệm liên tiếp thất bại. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 5 tên lửa R-5 và 2 quả tên lửa khác. “Một bức tranh ảm đạm cho đêm giao thừa năm 1961”, Grigory Kisunko nhớ lại.
Vào tháng 1/1961, các cuộc thử nghiệm tiếp tục diễn ra. Mặc dù thất bại vẫn xảy ra trong 4 lần phóng sau đó, nhưng giờ đây, hệ thống tên lửa trên mặt đất đã hoạt động hoàn hảo. Ngày 4/3, việc phóng tên lửa V-1000 đánh chặn R-12, tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất vào thời điểm đó, được lên kế hoạch.
Ảnh 3- Tên lửa V-1000 đánh chặn trúng mục tiêu.
Quá trình kiểm tra tiền khởi động diễn ra tốt đẹp, những âm thanh lặng lẽ được phát ra từ loa của máy tính. Các bảng điều khiển liên tục truyền dữ liệu. Chỉ dấu mục tiêu và điểm giao nhau của nó với tên lửa đánh chặn xuất hiện trên màn hình. Cuối cùng, máy tính phát tín hiệu "kích nổ" đầu đạn V-1000. Tên lửa Liên Xô đã đánh chặn trúng mục tiêu.
Năm 1961, cùng với nhiệm vụ đưa Yuri Gagarin vào không gian (ngày 12/2/1961), các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa A khiến cả thế giới thấy rằng, Liên Xô có các phương tiện đánh chặn tên lửa đạn đạo. Đồng thời các tên lửa của Matxcơva đủ mạnh và đáng tin cậy. Sau sự kiện Liên Xô thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn tầm xa, tháng 4/1961, Mỹ bắt đầu chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự cho riêng mình.
Tiến sĩ Yuri Ryabtsev, nhà phát triển hệ thống máy tính cho hệ thống phòng không S-300 và Don-2, khẳng định, “từ sự kiện trên cho thấy, tốt hơn hết là không nên đụng đến Liên Xô”.