Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bị cấm cửa, quán karaoke cầm cự bằng chiêu 've sầu thoát xác'

(VTC News) -

Gần một năm chưa được phép mở cửa, nhiều quán karaoke Hà Nội chuyển hướng kinh doanh nhà hàng, cà phê...để tồn tại, đáng nói là khách vẫn có thể hát khi có nhu cầu.

Nhiều quán karaoke ở Hà Nội vẫn đón khách dù chưa được cấp phép hoạt động trở lại.

Sau rất nhiều tháng phải đóng cửa im lìm, dừng hoạt động, thời gian gần đây, hàng loạt quán karaoke ở Hà Nội đã tháo dỡ biển hiệu, đèn điện để thay bằng những tấm biển đề tên nhà hàng, quán cà phê đơn giản, ít màu mè hơn.

Ai cũng nghĩ rằng những quán karaoke cũ này đã phá sản và nhường chỗ cho nhà hàng, quán cà phê mới mọc lên. Nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu, nhiều khách mới bất ngờ khi biết thực ra đây là cách chuyển đổi mục đích kinh doanh của chủ cơ sở karoke để được đón khách, tránh nguy cơ phá sản.

 

Tại một cơ sở karaoke nay đã được đổi tên thành nhà hàng trên đường Đỗ Đức Dục (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm), trong vai khách hỏi về dịch vụ hát karaoke, PV VTC News được nhân viên hồ hởi giới thiệu rằng quán vẫn có các phòng hát như trước. Tuy nhiên, khách muốn sử dụng dịch vụ karaoke thì sẽ phải gọi thêm đồ ăn với mức giá khoảng vài trăm nghìn đồng.

“Do bọn em bây giờ hoạt động dưới mác nhà hàng nên các anh muốn vào hát thì nhất định phải gọi món ăn, coi như việc hát chỉ là phụ thôi”, nhân viên này giải thích.

 

Tương tự, tại một quán karaoke trên đường Trần Kim Xuyến (quận Cầu Giấy), biển hiệu karaoke đã được tháo dỡ, thay vào đó là cơ sở kinh doanh Coffee & Lounge. Song, thực tế tại đây không chỉ kinh doanh đồ uống như biển hiệu giới thiệu mà các phòng hát karaoke vẫn được giữ nguyên.

Theo lời một nhân viên, quán mới hoạt động kinh doanh được hơn một tháng. Tại đây có 18 phòng, với diện tích và mức giá sử dụng dịch vụ khác nhau, khách có thể hát karaoke thoải mái nếu có nhu cầu. Phòng lớn nhất có sức chứa khoảng 15 - 20 người. Giá sử dụng dịch vụ tính theo giờ, dao động từ 500.000 đến 780.000 đồng/giờ.

Để khách tin tưởng hơn, nam nhân viên nhấn mạnh, cơ sở kinh doanh này đã đảm bảo mọi yêu cầu về PCCC và chuẩn bị lấy giấy phép mới, sau đó sẽ khai trương trong thời gian tới.

Vừa chuyển hướng hoạt động sang mô hình nhà hàng kèm dịch vụ hát karaoke, một ông chủ tiết lộ đã bỏ ra số tiền lớn để sửa chữa các cơ sở trong hệ thống, nhằm đáp ứng các tiêu chí cơ bản của một nhà hàng.

“Tôi đã sửa chữa và hoạt động lại dưới hình thức nhà hàng được gần 2 tháng nay. Tất cả các cơ sở đều được bố trí khu vực bếp và sửa sang lại cho phù hợp. Khách đến sử dụng dịch vụ hát karaoke tại đây hoàn toàn miễn phí nhưng bắt buộc phải gọi đồ ăn. Khách ngày càng đông dần nên tôi rất mừng. Hy vọng nhà hàng có thể kinh doanh tốt để bù lại phần nào những thua lỗ, thiệt hại vô cùng nặng nề trong suốt gần một năm qua”, ông chủ này nói.

Giải thích về lý do chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình, vị này cho hay: “Đây là việc buộc phải làm nếu không muốn phá sản. Chờ đợi thông tin từ cơ quan chức năng cho phép hoạt động karaoke quay trở lại bình thường suốt một năm trời nhưng vẫn bặt vô âm tín, tôi đã hết động lực và sự kiên nhẫn. Còn chút vốn liếng cuối cùng, rồi vay mượn thêm của người thân, tôi dốc toàn lực cho kế hoạch “thoát xác” này. Đây thực sự là "canh bạc" lớn và mạo hiểm, nhưng tôi không còn cách nào khác để tồn tại trên thương trường”.

 

Trong khi đó, ông T. - chủ một chuỗi karaoke từng có tiếng ở Hà Nội – buồn bã giãi bày thực tế kinh doanh khốn khó của hiện tại.

Theo ông T., thời gian qua, áp lực kinh tế đã buộc ông phải đóng cửa nhiều cơ sở. Những chỗ còn giữ lại được đã phải chuyển sang mô hình nhà hàng để hoạt động. “Khách đến các cơ sở của tôi chỉ hát mà không sử dụng đồ ăn thì chúng tôi sẽ không nhận vì về bản chất hiện nay chúng tôi đang kinh doanh nhà hàng. Giờ chúng tôi chỉ biết hy vọng khách dần quen mô hình mới để công việc kinh doanh ngày càng khởi sắc. Có như thế, nguy cơ phá sản mới có thể cứu vãn được”, ông T. nói.

Khi được hỏi tại sao không chuyển hoàn toàn sang mô hình nhà hàng, những ông chủ trên đều đưa ra chung câu trả lời: Do nhu cầu sử dụng dịch vụ karaoke của khách vẫn rất cao. Nhiều người đến quán chủ yếu là để hát chứ không phải để ăn uống. Nếu không giữ lại dịch vụ này, chắc chắn nhà hàng sẽ khó hút khách. 

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, chủ quán karaoke trên phố Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, để có thể biến quán karaoke thành nhà hàng, trước tiên chủ cơ sở cần phải nộp lại giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ karaoke, sau đó lại nộp giấy xin đăng ký kinh doanh dịch vụ nhà hàng. Qua hai bước trên, những cơ sở kinh doanh karaoke trước kia có thể hoạt động dưới hình thức nhà hàng, quán cà phê…

“Nhiều quán chỉ thay đổi mô hình kinh doanh khi sửa biển hiệu và giấy đăng ký. Trong khi đó các phòng hát họ vẫn giữ nguyên hiện trạng của quán karaoke. Khách tới đây sử dụng dịch vụ hát là chính chứ không phải ăn uống. Có những cơ sở không yêu cầu khách gọi đồ ăn. Bởi bản chất đây vẫn là quán karaoke ngày trước, chỉ có giấy phép đăng ký kinh doanh là khác”, bà Thủy nói.

 

Bà Thủy phân tích, hiện nay các cơ sở kinh doanh karaoke đang bị áp tiêu chí, quy chuẩn mới rất chặt chẽ. Để sửa chữa, đảm bảo các tiêu chuẩn đó, chủ quán sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn nhưng cũng không biết bao giờ mới được phép hoạt động trở lại.

Nhiều chủ quán karaoke cảm thấy không có khả năng khắc phục, cũng không thể chờ đợi thêm nên họ phải tìm cách để vẫn có thể kinh doanh, bù cho những khoản chi phí phát sinh hàng ngày, nếu không sẽ phá sản. Và việc chuyển đổi mô hình sang kinh doanh nhà hàng, có kèm theo dịch vụ ca hát được coi là tối ưu nhất hiện nay, vừa có thể kiếm ra tiền, vừa tận dụng được cơ sở vật chất tự có, lại chiều lòng phần lớn khách hàng.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke nổi tiếng trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện nay nhiều quán karaoke đã phá sản, trả mặt bằng vì chủ đầu tư đã cạn kiệt dòng tiền. Nhưng vẫn còn lại trên thị trường những cơ sở đang cố bám trụ và trong số đó, phần lớn đã chuyển hết sang mô hình kinh doanh nhà hàng để được hoạt động.

 

Theo ông Sỹ, việc chuyển đổi này là do chủ đầu tư đã phải đối mặt quá lâu với sức ép tài chính sau một thời gian rất dài, nếu không chuyển đổi họ sẽ sạt nghiệp, lâm cảnh trắng tay, nợ nần.

Ông Sỹ cũng cho rằng, việc các cơ sở kinh doanh karaoke chuyển sang hoạt động dưới hình thức nhà hàng, quán cà phê…, theo quy định của pháp luật là không sai. Tuy nhiên, phải thừa nhận chiêu “bình mới, rượu cũ” này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nếu chủ quán chỉ chăm chăm lo lợi nhuận mà quên đi yếu tố an toàn của khách.

Đức Thiện (Thiết kế: Huy Mạnh)

Tin mới