Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ quán karaoke Hà Nội tán gia bại sản, bán bia mưu sinh

(VTC News) -

Sau 7 tháng dừng hoạt động, các quán karaoke từng cho chủ đầu tư thu nhập cao ngất giờ đẩy họ lâm cảnh phá sản, nợ nần, nhiều người phải kiếm việc khác mưu sinh.

Giữa cái nắng oi ả của những ngày đầu tháng 5, ông Nguyễn Đức Hùng (sinh năm 1963, Hà Đông, Hà Nội) tất tả rót những cốc bia hơi để bán cho khách. Quán bia “cóc” nằm trong một con ngõ nhỏ tại phường Trung Văn vừa được ông Hùng mở hơn một tháng nay với hy vọng kiếm thêm thu nhập. Ít ai biết được rằng ông từng khá nổi tiếng trong giới kinh doanh karaoke, từng được nhiều người ngưỡng mộ vì có thu nhập cao.

Các cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội vẫn chưa được phép hoạt động. (Ảnh: Công Hiếu)

Ông Hùng bắt đầu kinh doanh ngành nghề karaoke từ năm 1995, với 6 cơ sở kinh doanh khác nhau. Năm 2008, ông gom tất cả vốn liếng khoảng hơn 10 tỷ đồng để mở thêm cơ sở kinh doanh karaoke mang tên “Biển Cháy” trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội).

Biến cố bắt đầu ập đến từ năm 2020, khi COVID-19 xuất hiện. Đến năm 2022, sau thời gian dài dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch, ông Hùng phải cầm cố sổ đỏ của gia đình để đầu tư hơn 4 tỷ đồng vào việc sửa chữa quán karaoke với hy vọng việc làm ăn thuận lợi trở lại sẽ cho ông mức thu nhập ổn định như trước, rồi chẳng mấy chốc sẽ thu hồi được vốn.

Thế nhưng, dồn tiền tỷ vào sửa chữa, cơ sở hoạt động trở lại chưa được bao lâu thì vỏn vẹn 2 tháng sau, quán của ông Hùng cùng hàng loạt các quán khác trên địa bàn TP. Hà Nội phải dừng hoạt động sau kết luận về công tác PCCC của cơ quan chức năng.

Ông Hùng kết thúc gần 30 năm gắn bó với nghề kinh doanh karaoke, quay sáng quán bia "cóc" nằm trong con ngõ nhỏ để mưu sinh. (Ảnh: Thành Lâm)

“Gần 30 năm làm nghề, tôi chưa từng gặp phải tình huống như thế này. Chúng tôi cố gắng phối hợp với cơ quan chức năng  để mong đưa cơ sở kinh doanh của mình sớm hoạt động trở lại nhưng bất lực vì vướng quá nhiều quy định khắc nghiệt. Ngoài việc phải đầu tư hàng chục tỷ đồng vào cơ sở kinh doanh này, nó còn là đứa con tinh thần với những người làm nghề lâu năm như tôi”, ông Hùng ngậm ngùi chia sẻ. Sau gần 7 tháng dừng hoạt động, số tiền chi phí để duy trì cơ sở kinh doanh karaoke này lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Ngoài sức chịu đựng, ông Hùng buộc phải tuyên bố phá sản, rút khỏi ngành nghề kinh doanh karaoke sau gần 30 năm gắn bó.

Ông Hùng nhớ lại: “Đó là những ngày tháng tăm tối nhất đối với tôi, suốt nhiều ngày tôi mất ăn mất ngủ vì lo mất vốn, nợ nần. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong đầu, bỏ nghề thì mình sẽ phải làm gì để mưu sinh? Hơn 4 tỷ đồng vừa vay ngân hàng để sửa quán sẽ phải trả thế nào?…Sau nhiều ngày suy nghĩ, dù rất đau lòng nhưng tôi buộc phải chấp nhận từ bỏ cơ sở kinh doanh karaoke của mình. Một phần vì cũng không còn tài chính để cầm cự, một phần vì nếu cố gắng duy trì, tôi cũng không biết phải chờ đến bao giờ khi mà cơ quan chức năng không có ngày hẹn, chỉ yêu cầu chúng tôi dừng hoạt động vô thời hạn”.

Ông Hùng bị sốc tâm lý nhiều ngày sau khi thanh lý cơ sở kinh doanh karaoke của mình. (Ảnh: Thành Lâm)

Sau khi phá sản, ông Hùng mất rất nhiều ngày để tự mình thoát ra khỏi cú sốc tâm lý. Với mặt bằng sẵn có, ông mở một quán bia hơi nhỏ, lặng lẽ kiếm sống, mưu sinh.

“Quán bia hơi chỉ cho tôi thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng một tháng. Nhưng bây giờ không biết làm gì cả, trước mắt, đây là công việc có thể làm để thêm chút thu nhập, được đồng nào hay đồng ấy. Trước đây, tiền tỷ đầu tư vào karaoke là thật nhưng khi phá sản, những thứ đó lại chỉ còn là rác. Thậm chí phải mất tiền thuê người dọn đi, đau xót lắm”, ông Hùng ngậm ngùi.

Khi được hỏi, nếu sau này ngành nghề kinh doanh karaoke được trở lại hoạt động bình thường, ông có muốn quay lại với nghề không? Ông Hùng lắc đầu ngao ngán: “Không, ở tuổi này rồi tôi cũng chỉ mong bản thân có thể vui vẻ. Bây giờ điều tôi nghĩ đến là làm sao trả hết được đống nợ của mình, tôi cũng không còn tiềm lực kinh tế để nghĩ đến chuyện quay lại với nghề”.

Tương tự ông Hùng, ông Trần Khắc Kiên (tên nhân vật đã thay đổi – PV) chủ một cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy đã phải trả mặt bằng, tuyên bố phá sản chỉ sau 3 tháng cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động.

Sau đại dịch, ông Kiên cũng vay mượn số tiền hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa quán. Tiền lãi ngân hàng mỗi tháng đẩy mức chi phí duy trì cơ sở kinh doanh karaoke lên tới gần 200 triệu đồng, trong khi cả gia đình ông trông chờ vào mức thu nhập từ đây. Việc quán phải dừng hoạt động đã đẩy cuộc sống của ông Kiên rơi vào bế tắc.

“Mới hoạt động lại sau dịch chưa được 2 tháng, khách còn chưa kịp quay lại, thu nhập mỗi tháng chỉ đủ duy trì kinh doanh. Ngay những ngày đầu phải dừng hoạt động, cuộc sống gia đình tôi đã ngay lập tức bị đảo lộn”, ông Kiên chia sẻ.

Theo ông Kiên, những ngày phải dừng hoạt động, thu nhập không có, cả gia đình 4 người của ông lâm vào cảnh khó khăn phải đi vay mượn từng người để lấy tiền duy trì sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, những mâu thuẫn gia đình cũng nảy sinh, gia đình ông đã đứng trên bờ vực tan vỡ do những mâu thuẫn sinh hoạt ngày càng lớn.

Cực chẳng đã, ông Kiên tuyên bố phá sản, trả mặt bằng kinh doanh, đồng thời bán thêm cả căn hộ chung cư mới mua của mình để trang trải nợ nần.

Với việc bị dồn vào đường cùng, tôi không thể cầm cự quá 3 tháng. Từ việc đầu tư tiền tỷ vào cơ sở kinh doanh chỉ mấy tháng trước, tôi nhanh chóng lâm vào cảnh tán gia bại sản. Sau khi trút bỏ được gánh nặng hàng trăm triệu đồng để duy trì cơ sở kinh doanh mỗi tháng, đồng thời trang trải nợ nần, tôi mới có thể giữ lại được thứ tài sản cuối cùng là gia đình của mình”, ông Kiên cay đắng nhớ lại.

Sau khi bán đi căn hộ đang ở, gia đình ông Kiên phải dọn về ở nhờ ngôi nhà của anh trai. Để duy trì cuộc sống hàng ngày và trang trải nợ nần, ông Kiên phải làm đủ mọi công việc để có thể kiếm thêm thu nhập. Từ việc đang có thu nhập cao khi kinh doanh karaoke, ông Kiên không ngờ bản thân lại rơi vào cảnh khốn cùng trong thời gian ngắn đến vậy: “Chẳng bao giờ có thể nghĩ đến, hơn 10 năm làm nghề của tôi lại kết thúc theo cách này”.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ xót xa khi cơ sở kinh doanh của mình đã tốn gần tỷ đồng tiền duy trì, sửa chữa vẫn chưa được mở cửa trở lại. (Ảnh: Thành Lâm)

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, những ngày gần đây, giới kinh doanh karaoke tại Hà Nội còn buồn bã bàn tán về câu chuyện xót xa của một người cũng từng là ông chủ karaoke. Ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ cơ sở kinh doanh karaoke số 16 Nguyễn Khang kể: “Mất cả người rồi chú ạ, ông em làm chủ đầu tư 4 cơ sở kinh doanh trên đường Trần Duy Hưng mới đây đã tự kết thúc cuộc sống vì áp lực nợ nần. Thật sự, những người làm karaoke chúng tôi đã lâm cảnh cạn vốn. Còn dừng hoạt động thêm ngày nào là sức lực chúng tôi cạn kiệt thêm ngày ấy. Bỏ cũng không thể bỏ được, bởi tiền, bởi công sức và hy vọng của mình đều nằm ở đấy cả rồi. Mong sao cảnh mòn mỏi chờ đợi này sẽ sớm kết thúc. Ở trong TP.HCM, các quán cũng đã được hoạt động trở lại, còn ở Hà Nội thì vẫn chưa biết đến bao giờ..”.

Mới đây, ngày 25/4, Công an TP Hà Nội có văn bản số 3092/CAHN-PC07 do Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội ký về việc triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo PCCC theo hướng dẫn của C07 (Bộ Công an).

Tại văn bản này, Công an TP Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị công an quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá các điều kiện an toàn PCCC của từng cơ sở theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn về PCCC tương ứng thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động. Trên cơ sở đó chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiến nghị cơ sở thực hiện khắc phục theo hướng dẫn.

Trường hợp cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC để phù hợp với thiết kế được thẩm duyệt, đảm bảo theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm cơ sở được đưa vào hoạt động thì không xem xét là cải tạo; không yêu cầu thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; không yêu cầu áp dụng QCVN 06:2022/BXD.

Với cơ sở có tồn tại về PCCC khó khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đưa vào hoạt động thì hướng dẫn cơ sở áp dụng các quy định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng có lợi để cơ sở có thể khắc phục; không yêu cầu thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Chủ cơ sở tổ chức khắc phục và báo cáo kết quả để đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác nhận.

Thành Lâm

Tin mới