Sáng 9/5, thông tin tới VTC News, ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke Idol (số 16 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cơ sở kinh doanh của ông vẫn đang mòn mỏi chờ cơ quan chức năng hướng dẫn để được hoạt động trở lại.
“Rất nhiều các văn bản gỡ khó cho karaoke từ các cấp đã được ban hành. Tuy nhiên không hiểu lý do gì, cơ quan chức năng địa phương vẫn không hề có sự kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh karaoke khắc phục đủ điều kiện để được hoạt động trở lại. Chúng tôi chỉ biết ngồi chờ, số lượng cơ sở kinh doanh tại Hà Nội phá sản đã không còn đếm được nữa”, ông Sỹ nói.
Các cơ sở kinh doanh karaoke tại Hà Nội vẫn chưa thể hoạt động trở lại dù có hàng loạt văn bản gỡ khó đã được ban hành. (Ảnh minh họa: Sức khỏe Đời sống)
Mới đây nhất, ngày 25/4, Công an TP Hà Nội có văn bản số 3092/CAHN-PC07 do Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội ký về việc triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo PCCC theo hướng dẫn của C07 (Bộ Công an).
Tại văn bản này, Công an TP Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị công an quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá các điều kiện an toàn PCCC của từng cơ sở theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn về PCCC tương ứng thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động (các đơn vị phải xác định chính xác thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC, thời điểm cơ sở được đưa vào hoạt động để có căn cứ thực hiện). Trên cơ sở đó chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiến nghị cơ sở thực hiện khắc phục theo hướng dẫn.
Trường hợp cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC để phù hợp với thiết kế được thẩm duyệt, đảm bảo theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm cơ sở được đưa vào hoạt động thì không xem xét là cải tạo; không yêu cầu thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; không yêu cầu áp dụng QCVN 06:2022/BXD.
Với cơ sở có tồn tại về PCCC khó khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đưa vào hoạt động thì hướng dẫn cơ sở áp dụng các quy định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng có lợi để cơ sở có thể khắc phục; không yêu cầu thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Chủ cơ sở tổ chức khắc phục và báo cáo kết quả để đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác nhận.
Theo chủ cơ sở kinh doanh karaoke số 16 Nguyễn Khang, ngay sau khi nhận được thông tin về văn bản trên, các chủ đầu tư karaoke trên địa bàn TP Hà Nội đều rất vui mừng và sẵn sàng phối hợp với lực lượng chức năng để khắc phục những tồn tại để có thể hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đã nửa tháng trôi qua kể từ khi văn bản được ban hành, các chủ đầu tư này vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Đại diện chủ cơ sở kinh doanh karaoke XO (số 70 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) sốt ruột nói: “Mặc dù đã có nhiều văn bản được ban hành, nhưng không hiểu vì sao, cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa tiếp xúc, làm việc hay hướng dẫn chúng tôi”.
Hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke tại Hà Nội mong chờ sự hướng dẫn của cơ quan chức năng để có thể hoạt động trở lại. (Ảnh minh họa: Hà Nội mới)
Trước đó, tại văn bản số 934/UBND-KSTTHC về việc thực hiện các thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao các quận, huyện niêm yết công khai thủ tục hành chính "cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke" và "cấp giấy phép điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke" theo đúng quy định.
Đồng thời, UBND TP.Hà Nội đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao hướng dẫn, tập huấn, thống nhất nghiệp vụ cấp, điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke cho UBND các quận, huyện.
Trong khi đó, tại TP.HCM, hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke đã được hoạt động trở lại từ cuối tháng 4 sau hướng dẫn của cơ quan chức năng. Nhiều quán tung khuyến mại để kéo khách trở lại, tuy nhiên lượng khách vẫn còn rất khiêm tốn. Nhiều chủ đầu tư đánh giá, phải mất 3 đến 5 năm thì hoạt động kinh doanh karaoke mới có thể phục hồi như trước.
Đại diện một đơn vị kinh doanh karaoke ở TP.HCM kiến nghị: “Hiện tại, các điểm kinh doanh đã mở đều báo doanh số giảm kỷ lục. Họ giảm nhân sự, cắt giảm chi phí, tạm dừng đầu tư mở rộng. Lượng khách còn 30%, số quán được mở cũng chỉ khoảng 15%. Ngoài tác động từ yếu tố kinh tế, ngành chức năng cần có động thái tháo gỡ đối với các cơ sở vẫn bị đang đình chỉ, để họ hoạt động lại bình thường, dần ổn định”.