Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh hen suyễn có lây không?

(VTC News) -

Những người mắc hen suyễn thường gặp khó khăn trong việc hô hấp, vậy bệnh này có lây không?

Theo bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, triệu chứng của bệnh hen suyễn khá đa dạng và phức tạp, có thể kể đến như thở dốc, đau tức ngực, thở khò khè, thở rít. Khi bệnh tiến triển, mức độ triệu chứng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn và người bệnh gặp nhiều khó khăn khi hoạt động thể lực. 

Hiện nguyên nhân gây bệnh hen suyễn vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, lý do có thể là do cơ địa của người bệnh kết hợp với yếu tố môi trường. 

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát cơn hen có thể kể đến như phấn hoa, lông động vật, vi khuẩn, virus, hoạt động gắng sức, khói thuốc, không khí lạnh, một số loại thuốc, tình trạng căng thẳng kéo dài, trào ngược dạ dày thực quản...

Tuy không lây truyền nhưng hen suyễn cũng là căn bệnh khiến nhiều người lo ngại vì nó có tính di truyền. Nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ bị hen suyễn thì con cái sinh ra cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn. Thậm chí, nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở người con là rất cao, có thể lên tới 50 đến 70%. 

Khi mắc hen suyễn, chất lượng cuộc sống của người bệnh có sự suy giảm đáng kể. (Ảnh minh họa)

Ngoài yếu tố di truyền, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh có thể kể đến như tiền sử dị ứng, tình trạng thừa cân béo phì, hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Bệnh nguy hiểm thế nào?

Hen suyễn có thể gặp phải ở người lớn và trẻ em. Nếu không áp dụng những phương pháp kiểm soát cơn hen hiệu quả, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng.

Đây là căn bệnh mạn tính và có thể tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh thường gây ra những cơn ho dai dẳng khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi. Triệu chứng này thường xảy ra vào ban đêm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ, thậm chí gây mất ngủ khiến người bệnh uể oải vào ban ngày, giảm năng suất lao động và gây cản trở những công việc khác trong sinh hoạt hàng ngày. 

Hơn nữa, khi mắc hen suyễn, bệnh nhân thường lo lắng về sức khỏe, đôi khi sự lo lắng thái quá cũng có thể dẫn tới trầm cảm hoặc làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó bao gồm cả viêm phổi. 

Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. Với trẻ em, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ ở thời điểm hiện tại và tương lai. Khi mắc bệnh, trẻ rất dễ bị lên cơn hen vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, trẻ không thể vui đùa, chạy nhảy giống như những trẻ khác.

Điều này cũng gây tác động xấu đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị sẽ gây cản trở quá trình học tập của trẻ.

Đối với phụ nữ mang thai, tuần thai thứ 24 đến 36 chính là giai đoạn mẹ bầu có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn. Nếu không được điều trị đúng cách, mẹ bầu có thể phải đối mặt với nguy cơ tiền sản giật, sinh non, em bé sinh ra cũng có nguy cơ nhẹ cân và gặp phải một số vấn đề sức khỏe khác. 

Hen suyễn có thể gây tử vong: Khi không được kiểm soát cơn hen hiệu quả, bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, khí phế thũng, xẹp phổi, tràn khí màng phổi... thậm chí gây tử vong. 

Khi có tác nhân kích thích, đường thở của người bệnh sẽ dễ dàng bị viêm nhiễm, sưng phù, tiết dịch nhầy khiến cho không khí khó đi vào phổi, gây ra tình trạng thiếu oxy, dẫn tới khó thở.

Người bệnh cần được can thiệp hay dùng thuốc giãn đường dẫn khí kịp thời. Nếu không xử trí đúng cách, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, bất tỉnh và tử vong. 

Thanh Hải

Tin mới