Máy bay Rafale của Pháp đã trở thành “nhà vô địch” về xuất khẩu. Hiện đã có 7 quốc gia sở hữu hoặc kí kết đặt mua chiếc máy bay này, trong đó Ấn Độ và UAE là những khách hàng lớn. Trong những năm qua, chiếc máy bay phản lực này đã tạo được danh tiếng vì là một trong những máy bay chiến đấu đa chức năng hàng đầu trên thế giới.
Truyền thông Croatia vừa thông báo nước này chính thức có quyền sở hữu máy bay chiến đấu Dassault Rafale đặt mua từ Pháp. Điều này đã được Bộ Quốc phòng Croatia công bố. Dấu mốc quan trọng được tiết lộ vào ngày 23/2, khi Croatia sở hữu sáu chiếc Rafale đầu tiên trong tổng số 12 chiếc. Bộ cũng công bố một bức ảnh chụp sáu máy bay chiến đấu Rafale.
Hành trình hướng tới thương vụ này bắt đầu vào tháng 5/2021 khi Croatia chọn Rafale để thay thế phi đội MiG-21 đã cũ của mình. Sau các cuộc đàm phán sâu rộng, một thỏa thuận trị giá 1,15 tỷ EUR (1,21 tỷ USD) đã được ký kết vào tháng 11/2021, mở đường cho quá trình mua lại. Các khoản thanh toán cho việc mua sắm dự kiến kéo dài từ năm 2021 đến năm 2026.
Lễ bàn giao chiếc Rafale đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 10/2023, tại căn cứ của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp ở Mont-de-Marsan. Sự kiện đánh dấu một khởi đầu cho quá trình chuyển đổi từ MiG-21 sang máy bay chiến đấu tiên tiến của Croatia. Với việc xác nhận quyền sở hữu sáu chiếc máy bay đầu tiên, Croatia đã sẵn sàng tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của mình.
Máy bay Rafale mới được bàn giao cho Croatia.
12 máy bay Rafale, trong đó có 10 chiếc một chỗ ngồi và hai chiếc hai chỗ ngồi, là những chiếc dư thừa của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp, tất cả đều được nâng cấp lên tiêu chuẩn F3-R.
Rafale được trang bị hệ thống dẫn đường tấn công tiên tiến, radar điện tử thế hệ mới có tính năng tích hợp cảm biến cao và hệ thống tự bảo vệ. Ngoài ra, nó còn tự hào về khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí không đối không và không đối đất đa dạng.
Bên cạnh máy bay, Croatia cũng sẽ nhận được các thiết bị mô phỏng, chương trình đào tạo và các dịch vụ hỗ trợ liên tục cho đến cuối năm 2026. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp và vận hành suôn sẻ các tài sản mới.
Việc chuyển giao toàn bộ 12 chiếc Rafale dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 và sẽ giúp Lực lượng Phòng không và Không quân Croatia nâng cao tính sẵn sàng và hiệu quả hoạt động.
Với kế hoạch vận hành Rafale cho đến đầu những năm 2050, Croatia đang thực hiện các khoản đầu tư chiến lược để bảo vệ an ninh quốc gia và định vị nước này là “đối tác đáng tin cậy của NATO”.
Máy bay Rafale của Không quân Croatia.
Thành công xuất khẩu của máy bay chiến đấu Rafale
Máy bay Rafale do tập đoàn Dassault Aviation sản xuất, là một sản phẩm quan trọng trong kho vũ khí quân sự của Pháp suốt hơn hai thập kỷ qua. Loại máy bay này không chỉ chứng tỏ khả năng trong các hoạt động trong nước mà còn nổi lên như một tài sản được quan tâm trên trường quốc tế, giúp nó giữ được chuỗi doanh số bán hàng ấn tượng.
Được đưa vào sử dụng hơn 20 năm trước, Rafale tạo dựng được danh tiếng đáng gờm nhờ tham gia thành công các nhiệm vụ chiến đấu ở các khu vực như Afghanistan và Mali. Bất chấp những thành công trong nước, chiếc máy bay này ban đầu gặp khó khăn trong việc tìm người mua.
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi đáng kể vào năm 2015 khi Ai Cập đưa ra thông tin báo hiệu ý định mua 24 chiếc Rafale. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt đó đã mở đường cho Qatar đặt mua số lượng máy bay tương tự, đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình xuất khẩu của Rafale.
Ai Cập đã đặt mua 16 chiếc Rafale B và 8 chiếc Rafale C, việc giao hàng bắt đầu vào năm 2015. Sau đó Ai Cập đã kí đơn đặt hàng tiếp theo mua thêm 30 chiếc Rafale vào năm 2021.
Qatar, với tư cách là khách hàng xuất khẩu thứ hai của Dassault, không chỉ hoàn thành đơn đặt hàng ban đầu mà còn mở rộng thêm 12 máy bay trong một thỏa thuận năm 2017. Việc giao hàng cho Không quân Qatar bắt đầu vào tháng 2/2019. Qatar cũng lựa chọn tăng gấp đôi phi đội Rafale của mình trong tương lai.
Ấn Độ cũng đồng ý mua 36 chiếc Rafale vào năm 2016, chuyển từ kế hoạch ban đầu là mua 126 máy bay thông qua chương trình Máy bay chiến đấu đa chức năng hạng trung (MMRCA). Năm 2023, Chính phủ Ấn Độ cũng công bố kế hoạch mua thêm 26 máy bay Rafale để trang bị cho Hải quân Ấn Độ.
Chiến đấu cơ Rafale.
Hy Lạp, một khách hàng xuất khẩu khác cũng đã ký thỏa thuận mua 18 chiếc Rafale vào tháng 1/2021, sau đó mở rộng thỏa thuận vào tháng 3/2022 để mua thêm 6 máy bay, nâng tổng số lên 24 chiếc.
Có lẽ thành tựu đỉnh cao của Dassault đến vào tháng 12/2021, khi UAE công bố đơn đặt hàng khổng lồ với 80 chiếc máy bay, trị giá 16 tỷ euro (17,5 tỷ USD). Thỏa thuận này có hiệu lực từ tháng 4/2022, bao gồm việc giao máy bay tiêu chuẩn F4 dự kiến từ năm 2027 đến năm 2031, kèm theo gói vũ khí mở rộng trị giá khoảng 2 tỷ euro.
Năm 2022, Indonesia cũng công bố kế hoạch mua 42 máy bay Rafale cho không quân nước này. Quyết định này không chỉ giúp Jakarta trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mua máy bay phản lực này mà còn góp phần đưa Indonesia trở thành khách hàng xuất khẩu thứ bảy của Dassault.