Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19: Hơn một tháng chưa về nhà, nhớ con da diết

(VTC News) -

Hơn một tháng không được về nhà, nữ bác sĩ thường tranh thủ giờ nghỉ giữa ca trực gọi video call để nhìn, trò chuyện với con và gia đình.

Mỗi lần chứng kiến các bệnh nhân mắc COVID-19 ra viện là BS.CKII Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, lại rớt nước mắt vì vui mừng. Hàng chục năm trong nghề nhưng có lẽ chưa bao giờ chị trong cuộc chiến với nhiều lo âu như vậy.

Tại buổi ra viện gần đây của 11 bệnh nhân COVID-19, nhiều người thấy chị bật khóc, mắt đỏ hoe. Với chị lần này đặc biệt hơn khi trong đó có đồng nghiệp của chị. Đó là bác sĩ Th., 29 tuổi, làm việc tại khoa Cấp cứu. Đây là bác sĩ đầu tiên bị nhiễm virus corona khi trực tiếp điều trị bệnh nhân.

"Từ khi xác định mắc COVID-19, tôi chưa từng thấy bác sĩ Th. than thở về tình trạng bệnh của bản thân hay sợ mình có thể gặp nguy hiểm”, bác sĩ Mai nói. "Ngược lại, Th. luôn cảm thấy áy náy, băn khoăn về sức khỏe của các đồng nghiệp tiếp xúc với mình. Đây là điều chúng tôi thấy rất xúc động và tự hào về đồng nghiệp".

Không riêng bác sĩ Th., tập thể các y bác sĩ làm việc tại bệnh viện cũng vậy, luôn lo lắng cho nhau. "Chúng tôi lo lắng nhưng không sợ", bác sĩ Mai chia sẻ. Chị luôn động viên các nhân viên và đồng nghiệp không sợ hãi, vượt qua đại dịch. Chị cho biết, bệnh viện đã rà soát và tập huấn thành thục các quy trình chống nhiễm khuẩn khắc phục những chỗ chưa hoàn chỉnh. 

Do là bệnh nguy cơ lây nhiễm cao nên các nhân viên y tế đều tập huấn lại toàn bộ quy trình, hạn chế không có thêm trường hợp lây nhiễm từ bệnh nhân sang bác sĩ. 

Bệnh viện đang nghiên cứu để tiến tới định lượng được virus corona, điều này giúp bác sĩ biết được dương tính mạnh hay yếu, số lượng virus trong cơ thể người bệnh có nhiều không, sau khi sử dụng thuốc kháng thì virus có giảm đi… Hiện chúng ta mới dừng lại ở định lượng kháng thể.

BS.CKII Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Hà Cường)

Trăn trở mỗi ngày tìm hướng điều trị tốt nhất

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Mai chia sẻ, với mỗi ca bệnh các bác sĩ, hội đồng chuyên môn thường tham khảo phác đồ của các chuyên gia trên thế giới, từ đó áp dụng điều trị cho các bệnh nhân ở nước ta.

Mỗi ngày các bác sĩ đều phải kiểm tra kỹ lưỡng diễn biến sức khoẻ của ca bệnh, tổng hợp và báo cáo với các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành trong Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, kịp thời có các hướng điều chỉnh phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân.

Do cơ chế gây bệnh của virus corona chưa thật sự rõ ràng nên chưa có phác đồ chính xác trên thế giới. Vì thế các y, bác sĩ phải đọc rất nhiều tài liệu của nước ngoài. “Chúng tôi trăn trở làm sao giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ của thuốc lên người bệnh”, bác sĩ Phương Mai nói.

Bên cạnh đó, việc điều trị luôn phải lựa chọn và tìm hiểu kĩ về các phác đồ điều trị mới. Trước khi áp dụng phác đồ, các bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân về những chuyển biến và tác dụng phụ có thể gặp phải trong quá trình chữa trị. Một phần là tôn trọng, phần khác giải thích để họ hiểu được các liệu trình thực hiện, giải toả tâm lý có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị.

“Quá trình điều trị, có bệnh nhân diễn biến tốt, có trường hợp không mấy tiến triển, mỗi lần như vậy, chúng tôi lại trăn trở nghiên cứu phương hướng điều trị mới, giúp các bệnh nhân thích ứng tốt hơn với các loại thuốc”, nữ bác sĩ nói.

11 bệnh nhân được Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị khỏi COVID-19.

Bác sĩ chia ca, 24/24h mặc đồ bảo hộ

Giai đoạn 2 này khó khăn hơn thời gian đầu rất nhiều, bởi số lượng bệnh nhân tăng nhanh, bệnh cảnh lâm sàng cũng diễn biến phức tạp hơn.

Nhiều bệnh nhân tiến triển xấu đi rất nhanh. Điển hình như một bệnh nhân của công ty TNHH Trường Sinh có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai buổi sáng nhập viện thì chiều có biểu hiện suy hô hấp, cần hỗ trợ cấp cứu ngay.

Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 39 bệnh nhân dương tính virus corona. Số lượng bệnh nhân lớn, lực lượng y bác sĩ không nhiều nên họ phải chia thành 2 nhóm để luân phiên nhau.

Một nhóm sẽ có 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng làm việc liên tục trong 14 ngày. Sau 14 ngày sẽ có nhóm thứ 2 vào thay ca trực để nhóm 1 nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, tự cách ly ngay tại bệnh viện. Bệnh viện cũng luôn chuẩn bị sẵn sàng một đội ngũ giàu chuyên môn, kinh nghiệm ứng phó từ ngoài vào khi các y bác sĩ trong chiến tuyến kiệt sức.

“Gần như 24/24 giờ các y bác sĩ đều phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, thậm chí cả khi nghỉ ngơi chúng tôi cũng vẫn đeo để đảm bảo an toàn thực sự cho bản thân mình”, bác sĩ Phương Mai tâm sự.

 

Số ca bệnh tăng lên khiến các y bác sĩ vô cùng vất vả và mệt mỏi khi phải chiến đấu liên tục 24/24h nơi tuyến đầu.

Hơn tháng rồi, chị Mai chưa về nhà. Từ đầu tháng 3, khi dịch bắt đầu xuất hiện lại ở Việt Nam là 100% chị và các đồng nghiệp được huy động trực chiến ở bệnh viện.

Nhiều khi nhớ nhà, nhớ con da diết, chị lại tranh thủ được nghỉ giữa ca trực gọi video call để nhìn và trò chuyện với con, với gia đình. 

“Không riêng gì tôi, tất cả các y, bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chưa bao giờ ngừng nghỉ trong cuộc chiến lần này. Người này mệt thì sẽ có người kia vào thay. Cứ như vậy chúng tôi ai nấy đều quyết tâm, quên nỗi lo lắng thường trực”, bác sĩ chia sẻ.

Video: Ngày 7/4 Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương công bố điều trị khỏi cho 11 bệnh nhân

Hà Cường

Tin mới