Thỏa thuận này được Canberra ca ngợi là "cột mốc quan trọng", tái cơ cấu hệ thống phòng thủ hải quân của Australia theo chiến lược mới công bố trong năm nay nhằm ngăn chặn "chiến thuật cưỡng ép" của Trung Quốc trong khu vực.
Australia dự kiến mua tên lửa SM-6 trang bị cho tàu, có thể tấn công máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa tầm trung SM-2 Block III C có khả năng dẫn đường.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường HMAS Parramatta (trái) di chuyển cùng tàu tấn công đổ bộ USS America. (Ảnh: Reuters)
"Australia đang phải đối mặt với môi trường địa chiến lược phức tạp nhất kể từ Thế chiến thứ hai", Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Australia Pat Conroy nói. Hiện tại, ông Pat Conroy đang có chuyến thăm Washington.
Ông Pat Conroy cho biết thêm "tên lửa hàng đầu thế giới" sẽ "bảo vệ an toàn cho người dân Australia, ngăn chặn mọi kẻ thù và bảo vệ lợi ích quốc gia trong thời đại tên lửa".
Những tên lửa này dự kiến được triển khai trên ba tàu khu trục lớp Hobart và sau đó là khinh hạm chống ngầm lớp Hunter theo kế hoạch của nước này.
Hồi tháng 4, Australia công bố chiến lược quốc phòng và dự kiến tăng mạnh chi tiêu quốc phòng để chống lại nguy cơ bị kẻ thù làm gián đoạn hoạt động thương mại hoặc ngăn cản việc tiếp cận tuyến đường hàng không và đường biển quan trọng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển hạm đội tàu mặt nước, Australia còn có kế hoạch triển khai tàu ngầm hạt nhân tàng hình theo thỏa thuận ba bên với Mỹ và Anh. Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles nhấn mạnh tên lửa mới của Mỹ thể hiện ý định của Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) trong việc tăng cường "sức sát thương" cho hải quân.
"Chúng cho phép hải quân tấn công nhiều mục tiêu trên biển, trên bộ và trên không ở tầm xa. Đồng thời, cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm xa, tăng cường năng lực của Lực lượng Phòng vệ Australia trong việc bảo vệ người dân và lợi ích quốc gia", ông Richard Marles nhấn mạnh.