Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Philippines mua tên lửa BrahMos là lãng phí?

(VTC News) -

Học giả nói Philippines mua tên lửa BrahMos “mang tính biểu tượng”, không giúp ích nhiều trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, nhưng chuyên gia quân sự không nghĩ vậy.

Một cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói tên lửa hành trình siêu âm BrahMos sẽ không phát huy tác dụng nhiều trong hoạt động tác chiến của quân đội Philippines vì cho rằng Manila “không có khả năng C4ISR”.

C4ISR là từ viết tắt của Command, Control, Communications, Computers, Intelligence, Surveillance and Reconnaissance (Chỉ huy, Điều khiển, Thông tin liên lạc, Máy tính, Tình báo, Giám sát và Trinh sát). Đây là thuật ngữ quân sự mô tả khả năng thu thập, phân tích và truyền tải thông tin một cách hiệu quả nhằm hỗ trợ ra quyết định và thực hiện các hoạt động tác chiến.

Hôm 12/7, ông Ashley Tellis, Chủ tịch phụ trách các vấn đề chiến lược của tập đoàn Tata và là thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng việc Ấn Độ bán tên lửa BrahMos đóng góp đáng kể cho an ninh của Philippines, nhưng Manila vẫn chưa được trang bị đầy đủ năng lực để vận hành tên lửa này.

Ông Tellis, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tại một  sự kiện kéo dài hai ngày ở New Delhi, ông Tellis lưu ý rằng Philippines chưa có khả năng C4ISR để sử dụng tên lửa BrahMos một cách “hiệu quả”, theo tường thuật của The Print.

Tuy nhiên, người thiết kế hệ thống C4I của Hải quân Ấn Độ, được triển khai trên các tàu chiến tiền tuyến của nước này, cho rằng BrahMos vẫn có khả năng hủy diệt lớn ngay cả ở “chế độ tác chiến độc lập”.

Theo EA Times, việc Ấn Độ bán tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cho Philippines được coi là một bước ngoặt chiến lược. Trước đó, trong một thời gian dài, New Delhi tỏ ra e ngại bán các loại vũ khí cho các bên liên quan ở Biển Đông bởi không muốn dính vào các tranh chấp ở khu vực này.

Tháng 4 năm nay, Ấn Độ đã bàn giao lô đầu tiên của hợp đồng cung cấp tên lửa BrahMos cho Philippines trị giá 375 triệu USD được ký tháng 2/2022, theo Times of India.

Ấn Độ đã chuyển giao lô tên lửa BrahMos đầu tiên trong hợp đồng trị giá 375 triệu USD.

Bộ Quốc phòng Mỹ thường sử dụng cụm từ C4ISR mang ý nghĩa “chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính (C4), tình báo, giám sát và trinh sát (ISR)”.

Nói một cách đơn giản hơn, C4ISR là “hệ thần kinh” của quân đội nhằm nâng cao nhận thức về tình huống. Nhiều hệ thống khác nhau hoạt động song song để thu thập lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều cảm biến và cơ sở dữ liệu. Dữ liệu cuối cùng được sử dụng để cung cấp các tham số chiến trường, ví dụ nhắm mục tiêu.

Công nghệ C4ISR là nền tảng của bất kỳ nhiệm vụ nào và các thành phần phải hoạt động song song để hỗ trợ hiệu quả mảng “cơ bắp” của quân đội bao gồm vũ khí, các nền tảng mang/phóng và binh sỹ. Mạng C4ISR thu thập lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều cảm biến, cơ sở dữ liệu và các nguồn khác trên toàn thế giới. Dữ liệu được hợp nhất, xử lý thành thông tin có thể sử dụng được và chia sẻ an toàn giữa những người dùng được ủy quyền.

Ông Tellis, cựu cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng BrahMos là “biểu tượng tuyệt vời nhưng không có tác dụng nhiều trong tác chiến (của quân đội Philippines”.

Phát biểu tại Hội nghị Tin tức Quốc phòng ở New Delhi do Lãnh sự quán Mỹ ở Kolkata và viện nghiên cứu CUTS International tổ chức, ông Tellis đã tham luận về việc tăng cường năng lực của các quốc gia ven biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kêu gọi Ấn Độ và Mỹ cùng phối hợp hành động. Ông nói rằng Mỹ có thể giúp đỡ các quốc gia liên quan. “Nhưng chúng tôi muốn tránh những tình huống dẫn đến việc sau này phải đi khắc phục hậu quả. Điều chúng tôi muốn làm là hợp tác có tính toán trước. Và vì vậy, khi chúng tôi theo đuổi những sáng kiến ​​kiểu này, việc các đối tác thảo luận kỹ với nhau sẽ rất hữu ích”, ông Tellis nói.

Tuy nhiên, cựu Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Milind Kulshrestha (đã nghỉ hưu), người tiên phong tích hợp tên lửa BrahMos cho hệ thống C4I của Hải quân Ấn Độ, nói với EA Times rằng BrahMos “có thể tích hợp dễ dàng để nâng cao khả năng khai thác. Ở bất kỳ hình thức nào, BrahMos đều là một công cụ răn đe hữu hiệu của Philippines”.

Philippines là khách hàng xuất khẩu đầu tiên của tên lửa hành trình BrahMos. Ấn Độ đã chuyển giao tên lửa cho Philippines trong bối cảnh Manila đối đầu căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông. Nước này đang xây dựng cơ sở tên lửa chống hạm BrahMos đầu tiên tại Căn cứ Hải quân Leovigildo Gantioqui ở Zambales, phía tây đảo Luzon.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ bố trí tên lửa hướng ra Biển Đông đang tranh chấp. Căn cứ bao gồm một cơ sở bảo trì và lắp ráp, một hầm chứa đạn có mái che. Căn cứ này có vị trí chiến lược bởi từ đây, bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Trung Quốc nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa.

Ông Kulshreshtha cho biết: “Khi được sử dụng như một thành phần của hệ thống C4ISR, BrahMos là một công cụ giúp nâng cao khả năng tác chiến chiến thuật... Brahmos là hệ thống tên lửa rất hiệu quả và nguy hiểm trong tác chiến mặt nước ở chế độ độc lập”. Ông Kulshreshtha coi Brahmos là vũ khí chủ chốt trong tác chiến ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng. Vị cựu tư lệnh hải quân Ấn Độ cho rằng hệ thống tên lửa này có thể được tích hợp dễ dàng vào bất kỳ hệ thống C4ISR nào Philippines hoặc bất kỳ quốc gia nào khác muốn sử dụng.

Tên lửa hành trình BrahMos là sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ và Nga.

Những vấn đề mà ông Tellis hay cựu tư lệnh Kulshreshtha đề cập liên quan đến năng lực của quân đội Philippines. Nói một cách đơn giản, Philippines cần “nhìn” xa”  nếu muốn “bắn xa”. Nếu không có khả năng tình báo, giám sát và trinh sát tầm xa, nước này khó có thể khai thác hết năng lực của tên lửa BrahMos.

Philippines không có radar ngoài đường chân trời, máy bay không người lái trinh sát tầm xa hoặc máy bay cảnh báo và kiểm soát trên không chuyên dụng.

Nếu không có hệ thống chỉ huy và kiểm soát, Philippines sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc bảo vệ hệ thống tên lửa BrahMos và tích hợp tên lửa này vào chuỗi vũ khí.

Ông Kulshreshta cho biết: “Trong khuôn khổ các nguyên tắc của C4SIR, một hệ thống tên lửa như Brahmos là một phần không thể thiếu trong  hệ thống nhận thức mối đe dọa và phân bổ tài nguyên”.

Ông nói thêm: “Việc Philippines triển khai BrahMos sẽ là biện pháp ngăn chặn chính đối với lực lượng dân quân biển Trung Quốc, những người sẽ tránh mạo hiểm đi vào khu vực tác xạ của Brahmos. Ở đây, Philippines cũng có thể lựa chọn vận hành Brahmos như một cụm SSM (tên lửa đất đối đất) với các đơn vị chỉ huy và dẫn bắn di động. Trong bất kỳ cuộc chiến nào, tổ hợp tên lửa di động có cơ hội sống sót cao hơn tổ hợp tên lửa cố định đặt trên đất liền”.

Hơn nữa, bãi cạn Scarborough là một mục tiêu cố định có tọa độ được biết rõ, do đó Philippines không cần công nghệ ISR phức tạp để nhắm mục tiêu vào nó.

Giai đoạn giữa hành trình, tên lửa BrahMos sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và giai đoạn cuối dựa vào đầu dò radar dẫn đường, sử dụng sóng radar để tự động theo dõi và bay về phía mục tiêu. Liên kết định vị toàn cầu GPS hoặc GLONASS giúp tăng cường độ chính xác của việc dẫn bắn. Khả năng này cho phép BrahMos tấn công các mục tiêu đang di chuyển.

Tuy nhiên, vai trò của các đồng minh rất quan trọng trong việc xây dựng năng lực C4ISR cho Manila. Trong bối cảnh lực lượng Philippines đang đối đầu với hải cảnh Trung Quốc, Mỹ đã tạm thời triển khai máy bay MQ-9 Reapers trên cơ sở “tạm thời”.

Điều này phù hợp với thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao giữa Mỹ và Philippines ký năm 2014, theo đó Mỹ cung cấp khả năng giám sát trên không liên tục cho quân đội Philippines. “Tạm thời” là từ khóa chủ chốt, vì hiến pháp năm 1987 của Philippines cấm việc đồn trú thường trực của lực lượng quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước này.

 

Trúc Mai (Indian Express, EA Times, The Print)

Tin mới