Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Apple thế nào dưới bàn tay quản lý của 'bậc thầy kinh doanh' Tim Cook?

Hằng năm cứ vào khoảng cuối Thu, đầu Đông, cộng đồng yêu công nghệ trên toàn thế giới lại “náo nức” bàn tán về những sản phẩm mà Apple vừa ra mắt.

Apple, không chỉ là công ty giá trị nhất hành tinh với tổng vốn hóa lên đến hơn 2.000 tỷ USD mà còn là thương hiệu có tính nhận diện thuộc hàng phổ biến nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là lý do vì sao những sản phẩm với logo “Táo Khuyết” luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý mỗi lúc ra mắt.

Đối với những người dùng yêu công nghệ, các sản phẩm mới nhất vẫn luôn bị gắn mác là thiếu đột phá, lỗi thời và đi sau các đối thủ. Đặc biệt, với giá bán luôn cao “ngất ngưởng” cùng với nhiều “pha xử lý” khó đỡ, Apple lại tiếp tục được gán cho các mác “hút máu” người dùng không thương tiếc.

Nhưng liệu sự thật là gì? Apple có thực sự là “ma cà rồng” của thế giới công nghệ, là hãng sản xuất chậm thay đổi, kém sáng tạo? Hay tất cả chỉ là những lời chỉ trích vô căn cứ? 

Apple dưới bàn tay quản lý của 'bậc thầy kinh doanh' Tim Cook

Có khá nhiều lý do để dẫn đến nhận định này. Tuy nhiên tất cả những chỉ trích chỉ thực sự bùng nổ một vài năm sau khi CEO Tim Cook tiếp quản đế chế Apple.

Ví dụ được nhiều người biết đến nhất đó chính là việc hãng loại bỏ jack cắm tai nghe 3,5mm trên bộ đôi iPhone 7 và iPhone 7 Plus hồi năm 2016. Khi ấy cộng đồng yêu công nghệ trên toàn thế giới đã phản ứng rất dữ dội, nhiều người thậm chí bày tỏ sự khó hiểu đến tột độ về quyết định kể trên.

Các đối thủ của “Táo Khuyết” cũng nhân cơ hội này mà liên tục châm chọc và cái tên “năng nổ” nhất trong các hoạt động này chắc chắn là Samsung. Hãng sản xuất Hàn Quốc còn chạy cả một chiến dịch quảng cáo nhằm chỉ ra những thiếu sót trên các sản phẩm iPhone lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, cũng ngay trong sự kiện mùa thu năm 2016, Apple đã ra mắt mẫu tai nghe true wireless đầu tiên của hãng mang tên AirPods. Tuy ngay tại thời điểm ra mắt, người ta vẫn thường bàn ra tán vào về thiết kế và tính năng của mẫu tai nghe này. Nhưng nếu nhìn vào doanh số bán hàng của AirPods dạo ấy và cả ở thời điểm hiện tại, chắc chẳng còn mấy ai còn nhớ đến những lời châm chọc.

Nhưng sự ra mắt của AirPods cũng như sự biến mất của cổng tai nghe 3,5mm trên iPhone 7 và iPhone 7 Plus chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, đặc biệt khi cả 3 sản phẩm này đều ra mắt trong kỷ nguyên Tim Cook, một bậc thầy về kinh doanh.

Không cần quá tinh ý để nhận ra Apple đã ra mắt AirPods để “ép” người dùng đầu tư thêm vài trăm USD để mua một sản phẩm tai nghe hoàn toàn mới và chưa thực sự tạo được nhiều tiếng vang.

Cái hay của “Táo Khuyết” khi ấy chính là tạo ra sự bất tiện đến “cùng cực” khi những mẫu iPhone của hãng giờ đây chỉ còn duy nhất một cổng Lightning. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng khi ấy không thể vừa sạc thiết bị, vừa nghe nhạc bằng tai nghe có dây như trước được nữa. “Trùng hợp” thay, AirPods chính là câu trả lời cho nhu cầu “đầy hóc búa” này.

AirPods không phải là minh chứng cuối cùng cho sự “hút máu” của Apple đối với người dùng. Năm 2020, Apple tiếp tục gây chấn động thị trường khi chủ động loại bỏ củ sạc khỏi bộ phụ kiện của những chiếc iPhone 12, mở đầu cho xu hướng “bảo vệ môi trường” của hãng sản xuất thiết bị di động. Nhưng mọi thứ dường như chỉ là “lời nói dối” của Tim Cook khi Apple chính thức giới thiệu củ sạc nhanh 20W, hỗ trợ trực tiếp cho bộ đôi iPhone 12 Pro và 12 Pro Max với mức giá đắt cắt cổ 19 USD hay gần 1 triệu đồng tại thị trường Việt Nam khi mới ra mắt.

Và đó chỉ là 2 ví dụ điển hình nhất cho triết lý kinh doanh “tận thu” mà Tim Cook đang áp dụng tại Apple và cái mác “hút máu” mà người dùng hay các anti-fan gán cho “Táo Khuyết” ở thời điểm hiện tại quả thực không hề oan ức.

Người dùng vẫn vui vẻ “hiến máu” vì hệ sinh thái sản phẩm Apple

Khác với những lời chỉ trích và lên án thuở ban đầu, người dùng cuối cùng vẫn rất vui vẻ bỏ tiền túi cho những chiêu trò “hút máu” của Apple.

Điển hình nhất trong số này chính là AirPods. Mặc dù liên tục bị chế “meme” khi mới ra mắt, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, AirPods vẫn đang là mẫu tai nghe true wireless bán chạy nhất thế giới.

Hay đối với củ sạc 20W mới ra mắt gần đây, tuy không thể thống trị thị trường bởi rất nhiều sản phẩm thay thế khác. Nhưng Apple vẫn được xem là đã thành công bởi vì hầu hết các hãng sản xuất phụ kiện đến cuối cùng vẫn phải trả tiền cho Apple để mua chứng chỉ MFi (Made For iPhone/iPad/iPod), thứ buộc phải có để có thể sản xuất phụ kiện “chính chủ” cho Apple.

Hay không nói đâu xa chính là những mẫu iPhone, thứ được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của Apple. Tuy luôn bị chỉ trích là lỗi thời, nhàm chán, thiếu sáng tạo… nhưng những chiếc smartphone cộp mác “Táo Khuyết” vẫn luôn có tên trong danh sách những sản phẩm bán chạy nhất thị trường trong nhiều năm liền.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao người dùng vẫn đang hết sức hạnh phúc khi “hiến máu” cho Apple như vậy? Câu trả lời thật ra lại rất đơn giản, chính là chất lượng sản phẩm.

Than vãn, chỉ trích nhưng không có năm nào mà chúng ta không thấy đoàn người xếp hàng chờ được Apple 'hút máu'

Thật vậy, các sản phẩm đến từ nhà “Táo Khuyết” vẫn luôn nổi tiếng trên khắp thế giới về sự ổn định, bền bỉ và được hàng này hỗ trợ cập nhật, vá lỗi lâu dài. Lại quay lại với những chiếc AirPods, vào thời điểm nó được ra mắt năm 2016, đây là sản phẩm tai nghe true wireless duy nhất trên thị trường sở hữu khả năng kết nối nhanh trong khi các đối thủ khác trên thị trường khi ấy đều có cách kết nối hết sức rườm rà. Bên cạnh đó, chất lượng kết nối cũng là điểm chính khiến đây trở thành những sản phẩm được ưa chuộng bởi rất nhiều người dùng.

Hay nhắc đến các sản phẩm iPhone là người ta nhớ ngay đến những chiếc smartphone với tuổi thọ có thể tính bằng thập kỷ và nếu chủ nhân của chúng sử dụng một cách cẩn thận và đừng cập nhật lên các phiên bản iOS quá mới.

Cuối cùng cũng là lý do lớn nhất, Apple đã 'thuần phục' người dùng bằng một hệ sinh thái các thiết bị có sự liên kết vô cùng chặt chẽ với nhau. Điển hình như AirPods có thể kết nối với iPhone chỉ với 1 cú chạm trên màn hình. Chưa dừng lại ở đó, hệ điều hành iOS mềm cũng là một điểm gây 'nghiện' khi iMess, FaceTime, AirDrop là những tính năng không có hoặc nếu có trên 1 vài thiết bị Android thì cũng không mang lại sự ổn định, mượt nhà như trên iPhone.

Có thể Apple của hiện tại với đủ chiêu trò được CEO Tim Cook đưa ra để người dùng buộc phải chi tiền nhưng ở một khía cạnh nào đó, người dùng vẫn rất vui vẻ khi mua sắm nhưng sản phẩm của “Táo Khuyết” đơn giản đó là đồ Apple và chỉ cần logo “quả táo cắn dở” thôi, cũng đã là một minh chứng về chất lượng sản phẩm rồi.

H.P

Tin mới