Trả lời phỏng vấn Financial Times, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho biết: “Đây là thời điểm để cứng rắn với Trung Quốc bởi những hành vi của họ trong hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời hiện đại hóa WTO”.
Kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU) và đặt tương lai kinh tế vào thương mại toàn cầu, Anh đã tăng cường chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc.
“Không thể có thương mại tự do nếu nó không công bằng. Niềm tin của công chúng đã bị ăn mòn bởi các hành vi tàn ác, từ việc sử dụng lao động cưỡng bức đến suy thoái môi trường và đánh cắp tài sản trí tuệ”, Bộ trưởng Thương mại Liz Truss cho hay.
Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss. (Ảnh: Yahoo)
Trung Quốc - thành viên WTO từ năm 2001, phủ nhận việc cáo buộc nước này đánh cắp tài sản trí tuệ, làm tổn hại môi trường một cách không công bằng hoặc hàng hóa được sản xuất làm bằng lao động cưỡng bức.
Anh và các thành viên WTO khác cho rằng, Trung Quốc được hưởng lợi từ các ngoại lệ đối với các quy tắc đã được đưa ra cách đây nhiều thập kỷ và không còn phản ánh vị thế của một siêu cường kinh tế.
“WTO được thành lập khi Trung Quốc có quy mô 10% so với nền kinh tế Mỹ. Thật không thể chấp nhận khi nước này vẫn tự cho mình là một quốc gia đang phát triển và những quy tắc đó cần phải thay đổi”, Bộ trưởng Thương mại Liz Truss nói.
Lãnh đạo các nước trong G7 khác, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhất trí về sự cần thiết phải cải tổ WTO và giải quyết ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Liz Truss cho rằng, nhiều quốc gia phương Tây lo sợ sẽ mất quyền kiểm soát trật tự quốc tế vào tay Trung Quốc. “Trừ khi WTO được cải tổ, còn không các quốc gia sẽ tìm các khuôn khổ khác để giao dịch”, Liz Truss cho biết.
Đánh giá chiến lược về chính sách đối ngoại mới đây của Anh cho biết, sự lãnh đạo độc đoán và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế của Anh.
Bộ trưởng các nước thành viên WTO sẽ tham dự cuộc họp theo lời kêu gọi của người đứng đầu mới đắc cử của tổ chức này - bà Ngozi Okonjo-Iweala, để thảo luận về các chính sách của WTO. Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của bà Ngozi Okonjo-Iweala, cho biết nước này muốn cải cách các quy tắc và xây dựng một hệ thống thương mại hiệu quả hơn.
Quan hệ giữa London và Bắc Kinh đã trở nên xấu đi trong những tháng gần đây, với các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng liên quan đến với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và tranh cãi gay gắt về cải cách quản lý Hong Kong - thuộc địa cũ của Anh.