Mipec được một số doanh nghiệp quốc phòng sáng lập nên. Cụ thể là Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân (Vaxuco) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Mà thực ra, trong hai cổ đông này chỉ có Vaxuco là doanh nghiệp 100% vốn của Bộ Quốc phòng, còn MBBank, như đã biết, là một doanh nghiệp đại chúng có sự góp vốn của một số doanh nghiệp quốc phòng.
Theo đăng ký kinh doanh cập nhật đến giữa năm 2017, hai lãnh đạo chủ chốt nhất của Mipec đều là những sỹ quan cao cấp: Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT; Đại tá Dư Cao Sơn – Tổng Giám đốc. Cùng thời điểm, ông Thạch và ông Sơn cũng là những lãnh đạo chủ chốt của Vaxuco khi lần lượt nắm giữ các chức vụ Chủ tịch HĐTV và Chính ủy.
Một bản tin nội bộ của Mipec tường thuật về lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng II của công ty này hôm 26/04/2019 giới thiệu: “Về phía MIPEC, có sự tham gia của Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT; ông Dư Cao Sơn - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc cùng các thành viên HĐQT; Đảng ủy; Ban Tổng Giám đốc và toàn thể các cán bộ nhân viên MIPEC”.
Ông Thạch sinh năm 1957, ông Sơn sinh năm 1958, có nghĩa, thời điểm diễn ra sự kiện trên, hai vị sỹ quan cao cấp này đều đã trên 60 tuổi – lứa tuổi nghỉ hưu theo chế độ tại các đơn vị nhà nước (trừ các trường hợp đặc thù). Và thực tế theo tìm hiểu, đến nay, hai ông đều đã thôi nhiệm và nghỉ hưu ở Vaxuco. Tuy nhiên, câu chuyện ở Mipec lại khác, là một doanh nghiệp cổ phần, nhân sự công ty sẽ không bị ràng buộc bởi các giới hạn tuổi hưu.
Cập nhật đến thời điểm hiện tại, dữ liệu của cơ quan thuế vẫn đang ghi nhận người đại diện theo pháp luật của Mipec là ông Dư Cao Sơn – Tổng Giám đốc. Trong khi vị trí Chủ tịch HĐQT được đảm trách bởi ông Đào Ngọc Thạch.
Mipec đặt trụ sở tại tòa nhà của Vaxuco.
Với đặc điểm là một doanh nghiệp đã được cổ phần, lãnh đạo của Mipec ông Thạch, ông Sơn đều có thể cống hiến cho Mipec thêm nhiều năm nữa, bởi kinh nghiệm, quan hệ, kỹ năng quản trị điều hành của ông Thạch, ông Sơn là một điểm rất giá trị với các cổ đông còn lại.
Thành lập năm 2003, Mipec khởi đầu với lĩnh vực sản xuất dầu mỡ nhờn chuyên dụng cho khí tài quân sự, rồi mở rộng sang cung ứng cho thị trường dân dụng và kinh doanh xăng dầu.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xăng dầu, Mipec đã đa dạng hóa hoạt động sang lĩnh vực kho bãi cầu cảng, thương mại dịch vụ, bán lẻ và đặc biệt, là thị trường bất động sản.
Bắt tay với một số đơn vị, doanh nghiệp, Mipec đã phát triển hàng loạt dự án như: MIPEC Tower 229 Tây Sơn, 183 Nguyễn Lương Bằng, MIPEC Riverside Long Biên, MIPEC City View Hà Đông (Hà Nội); Citadines Bayfront (62 Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa); MIPEC Tràng An (TP Vinh, tỉnh Nghệ An).